Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Rối nước - nghệ thuật của đồng quê

     “Thưa bà con Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”, cùng với tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng, chú Tễu từ trong cánh gà lướt trên mặt nước với màn chào hỏi. Một buổi biểu diễn múa rối nước bắt đầu.
     Các tích trò mà các nghệ nhân biểu diễn rối nước dàn dựng gắn liền với công việc đồng áng như cày, bừa, cấy lúa, chăn trâu, chăn vịt, đánh bắt tôm cá hoặc các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát mừng được mùa... và phong cảnh nông thôn.Sân khấu biểu diễn là mặt ao hồ tự nhiên hoặc nhân tạo được gọi là Thủy đình. Người biểu diễn lội dưới nước, dùng cây sào và dây điều khiển các con rối sau những tấm mành tạo nên không gian vừa huyền bí, vừa gần gũi với người xem xung quanh.

     Xuất phát từ những hình nộm đuổi chim, đuổi chuột phá hoại mùa màng, dựa vào thói quen làm ruộng nước ở vùng đồng bằng mà những "nghệ nhân - nông dân" xưa đã nghĩ ra trò chơi rối nước. Con rối được làm từ những đoạn gỗ thừa khi chế tạo cày bừa hoặc dựng nhà cửa. Dây gai làm lưới đánh bắt tôm cá được dùng cho việc điều khiển hoạt động của con rối xuyên qua ống tre, ống sậy. Bằng tính cần cù và óc sáng tạo của người nông dân, từ những nguyên vật liệu có sẵn ở các làng quê nông thôn mà những nghệ nhân dân gian đã làm nên những con rối rất sống động.
     Người ta đã thống kê được những phường rối nước tiêu biểu có truyền thống ở khắp vùng châu thổ sông Hồng, nơi có trình độ thâm canh lúa nước lâu đời. Đó là phường rối nước làng Nguyễn, làng Đông Các (Thái Bình), làng Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội), Nam Trực (Nam Định), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Thạch Thất (Hà Tây)... Tuy nhiên, mỗi phường rối nước lại có những “miếng” riêng khi biểu diễn. Làng Nguyễn có bí quyết cho pháo nổ dưới nước, rồng khạc ra lửa. Làng Đào Thục có con rối nhảy khỏi mặt nước như đánh đu hoặc nhảy từ mặt nước lên lưng trâu bằng hệ thống xích, líp xe đạp... Đoàn múa rối nước do các nghệ nhân làng Nguyễn (Thái Bình) đã nhiều lần sang Italia, Pháp, Đức... biểu diễn được bạn bè quốc tế khen ngợi.
     Ngày nay, rối nước không còn được sử dụng nhiều như xưa ở các vùng nông thôn bởi sân khấu của nó đòi hỏi phải có Thủy đình... Song những sân khấu hiện đại của Nhà hát Múa Rối Trung ương, Nhà hát Múa Rối Thăng Long hay Thủy đình ngoài trời Viện Bảo tàng dân tộc học Việt Nam vẫn luôn thu hút khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến xem.
     Mấy năm gần đây, nghệ nhân trẻ Phan Thanh Liêm, quê gốc ở phường rối nước Nam Trực (Nam Định) đã sáng chế ra sân khấu rối nước thu nhỏ. Thủy đình do anh làm ra là những tấm bìa gọn nhẹ có thể tháo lắp. “Ao nước” là một thùng bằng nilon gấp gọn. Đến địa điểm biểu diễn anh chỉ cần trải “ao” ra, đổ vài xô nước, dựng Thủy đình, thả các con rối mini cùng cái đài cassette là biểu diễn được. Chuyến xuất ngoại “độc diễn” gần đây nhất của anh tại Italia đã thành công tốt đẹp. Phan Thanh Liêm gọi công trình của mình là “Sân khấu nhỏ, hiệu quả lớn”. Múa rối nước Việt Nam, môn nghệ thuật dân gian gắn liền với nền văn minh lúa nước xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nguồn: Báo ảnh VN, Net.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét