Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN- MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CƠ BẢN**

B.NGHỆ THUẬT DIỄN TẤU

   Về nghệ thuật diễn tấu, để hiểu được nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên, trước hết chúng ta cần có một cách nhìn tổng thể.

   Thông thường, dàn nhạc được hiểu là sự kết hợp các nhạc cụ với nhiều giai điệu khác nhau, mỗi nhạc cụ đảm nhiệm sự diễn tấu của một đường tuyến. Thứ âm nhạc đó được gọi là hòa tấu. Đây cũng là nguyên tắc chung của đại đa số các dàn nhạc trong mọi nền âm nhạc trên thế giới - có thể coi là cơ cấu dàn nhạc phổ biến.

   Thế nhưng ở nghệ thuật cồng chiêng, sự kết hợp của nhiều nhạc cụ về căn bản lại để hợp thành giai điệu. Điều đó có nghĩa mỗi nhạc cụ trong dàn nhạc thực chất chỉ diễn tấu một nhạc âm trong đường tuyến giai điệu. Nói nôm na "mỗi nhạc công ở đây chỉ là một nốt nhạc". Theo đó, nhiều nhạc cụ ứng với những cao độ khác nhau kết hợp so le theo chiều ngang sẽ cấu thành giai điệu.

   Trong nghệ thuật âm nhạc nói chung, sự kết hợp các nhạc cụ kiểu "cồng chiêng" đòi hỏi ở mỗi nhạc công một bản lĩnh tiết tấu thật vững vàng. Nói cách khác, so với cơ cấu dàn nhạc thông thường, kỹ thuật dàn nhạc ở nghệ thuật cồng chiêng đòi hỏi năng lực phối hợp của mỗi nhạc công ở một tầng bậc cao hơn nhiều. Có thể gọi đó là tính diễn tấu tập thể của nghệ thuật cồng chiêng.

   Trong nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên, ngoại trừ dàn cồng Klâu Poh người Chu Ru do một người chơi, còn tất cả các dàn cồng chiêng khác đều tổ chức diễn tấu theo cơ cấu dàn nhạc. Nếu nhìn tách rời trên tổng phổ, sẽ thấy mỗi chiếc cồng chiêng chỉ diễn tấu một mô hình tiết tấu nhất định. Chúng tôi gọi đó là nghệ thuật chia tách để liên kết ở tầng bậc cao của các nhạc cụ trong dàn nhạc cồng chiêng. Hơn thế nữa, các cồng chiêng thành viên kết hợp không chỉ để tạo nên một giai điệu duy nhất. Trên thực tế, mỗi dàn cồng chiêng thường cùng lúc tạo ra nhiều giai điệu khác nhau trong diễn tấu. Ví dụ:

Trích đoạn bài TơNơ (dàn cồng chiêng Bahnar Kon Kơđe)
16-2.jpg

   Có thể nhìn thấy rõ các tầng giai điệu trong bài bản đan xen ứng đối với nhau bên cạnh một phần đệm hòa âm. Tất cả tạo nên một hiệu quả tổng thể vừa tinh tế, vừa đầy đặn của dàn nhạc. Bởi vậy nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng cồng chiêng Tây Nguyên là sự hòa quyện của cả nghệ thuật âm nhạc chủ điệu và âm nhạc đa điệu.

   Về mặt bài bản, mỗi tác phẩm cồng chiêng thực chất được cấu trúc từ một nét giai điệu ngắn hoặc trung bình. Trong hệ thống các tư liệu đã sưu tầm, nét nhạc ngắn nhất chỉ đơn giản là một nhịp, dài hơn thì tương đương với một câu nhạc 4 nhịp 2/4. Một số ít những nét giai điệu dài có thể lên đến 17 nhịp và thậm chí có trường hợp cá biệt hơn 30 nhịp 2/4. Trong diễn biến của bài bản, nét giai điệu đó cùng hệ thống giai điệu phụ họa và phần đệm đồng bộ được lặp đi lặp lại với chu kỳ không giới hạn. Có thể coi mỗi chu kỳ đó như một "cấu kiện đúc sẵn" - một mô hình cố định(module). Như vậy, độ dài của một bài bản trong mỗi lần diễn tấu sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tình huống văn hóa mà bài cồng chiêng là một thành tố. Và, người chơi muốn dừng lại ở đâu thì "bài bản" cũng kết thúc ở đó. Cũng xin nói thêm, trong tập hợp giai điệu ở mỗi mô hình cố định, khái niệm giai điệu chính - phụ ở đây là dựa vào cảm giác chủ quan của người nghiên cứu. Đó không phải là một tiên đề được xác định. Rất có thể người khác sẽ quan niệm ngược lại.

   Thông thường khi mở đầu một bài cồng chiêng, nhóm 2-3 chiêng đi một bè giai điệu phụ họa với bè chính sẽ chơi trước dẫn dụ nhịp điệu, các nhóm khác nghe theo đó mà bắt dần vào bài. Ví dụ:

Trích đoạn bài TơNơ (dàn cồng chiêng Bahnar Kon Kơđe)
17-1.jpg

   Về mặt cơ cấu dàn nhạc, nếu tính đến hiệu quả nghệ thuật, có thể nhìn thấy những cấp độ khác nhau ở các dàn cồng chiêng Tây Nguyên. Ở đây, chắc chắn số lượng nhạc cụ trong mỗi biên chế sẽ ảnh hưởng cơ bản đến hiệu quả âm nhạc. Trong đó, có thể xếp các biên chế 2 chiếc, biên chế 3 chiếc và bài bản của chúng thuộc vào loại đơn giản

   Đối các biên chế cồng chiêng từ 6 chiếc trở lên, bao giờ cũng có sự phân chia nhạc cụ thành từng nhóm chức năng. Có thể xếp chúng thuộc vào dạng phức tạp. Ở đây, đa số những biên chế được xếp theo các chức năng giai điệu và phần đệm. Có thể nhận thấy rõ mỗi dàn cồng chiêng là một giọng điệu xác định với vai trò chức năng cố định của các bậc âm. Do đó, cũng có thể nói rằng giai điệu của hệ thống bài bản thuộc mỗi biên chế đều có màu sắc âm nhạc nhất quán. Nói nôm na là "xanh thì xanh tất mà đỏ thì đỏ tất", không tìm thấy sự "chuyển giọng" trong mỗi biên chế. Chúng tôi cho rằng chính sự nhất quán này lại là đặc điểm rất độc đáo của nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên. Nó như dấu vết còn lại của một lớp cắt trong tiến trình phát triển âm nhạc ở thời kỳ sơ khai.

   Trong mỗi dàn cồng chiêng, âm chính của giọng điệu thường nằm ở chiếc cồng hay chiêng thấp nhất (và cũng là to nhất). Điều đó đã thể hiện phần nào ở ngay chính tên gọi của nó. Đa số các chiêng này đều được gọi là Mẹ - như một dấu ấn còn lại của thời kỳ mẫu hệ. Nhìn chung, trong các nhóm chức năng giai điệu và phần đệm, chúng ta sẽ thấy bao giờ cũng tồn tại những giai điệu phụ họa (ít nhất là một bè nền trì tục) có chức năng đối đáp với giai điệu chính. Trong đó, bè nền trì tục bao giờ cũng lập thành từ âm chính với 1 hoặc 2 âm liền kề phía trên trong thang âm tạo thành các giai điệu 2 âm hoặc 3 âm. Ví dụ:

18-1.jpg

   Tất nhiên, trong bước đi của nhịp điệu, các bè giai điệu sẽ thường xuyên chập với nhau ở hàng dọc tạo ra các quãng hòa âm hay chồng âm, hợp âm. Điều đó tạo nên hiệu quả như một phần hòa âm tất yếu của bài bản. Ở đây, chúng tôi đó là phầnhòa âm giai điệu. Đối với những dàn cồng chiêng không có nhóm nhạc cụ phụ trách phần hòa âm riêng thì hòa âm giai điệu chính là toàn bộ phần hòa âm của bài bản. Đây là trường hợp của các dàn 6 chiêng chi đấm các tộc người Mạ và M'nông.

   Tìm hiểu những dàn chiêng này, chúng ta sẽ nhận ra những điểm tương đồng khá lý thú trong mối quan hệ giữa các bậc âm. Đó là sự đồng dạng về chức năng diễn tấu của các chiêng ở vị trí tương ứng. Chỉ cần nhìn vào tên gọi của chúng, ta đã cảm nhận được phần nào. Ở đây, nếu đánh số 6 chiếc chiêng theo thứ tự từ thấp lên cao, sẽ thấy chiêng số 1 được gọi là chiêngMẹ, chiêng số 2 được gọi là chiêng Bố, 4 chiêng còn lại là 4 đứa Con. Trong các chiêng Con, tùy từng nơi mà người ta phân ra các thứ bậc "con trai", "con gái" hay "con" nói chung. "Đứa con" liền kề "bố mẹ" thường được coi là "con cả" và "đứa con" cao nhất là "con út".

19.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét