Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN- MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CƠ BẢN *


Kính tặng đồng bào các tộc người thiểu số Trường Sơn- Tây Nguyên!

                                                                                                          Bùi Trọng Hiền.

A.PHƯƠNG PHÁP KÍCH ÂM, BIÊN CHẾ VÀ HÀNG ÂM CƠ BẢN

1. Phương pháp kích âm

   Có 2 phương pháp kích âm cơ bản là chi dùi gõ (dành cho cả cồng lẫn chiêng) và chi đấm (chỉ dành cho chiêng). Theo thống kê, các dàn chiêng tộc người Mạ, M'nông, dàn chiêng đôi của người Chu Ru và Cơ Ho thuộc chi đấm. Còn tất cả các dàn chiêng khác đều thuộc chi dùi gõ.
   Tùy từng nơi, trong lúc diễn tấu, người ta thường sử dụng bàn tay đỡ vào mặt hay thành cồng chiêng để bịt hay mở tiếng nhằm tạo hiệu quả âm ngân vang hay âm ngắt. Tay còn lại kích âm theo cách đấm hoặc gõ dùi. Điểm kích âm của cồng bao giờ cũng là núm lồi. Còn điểm kích âm của chiêng thì đa dạng hơn. Với chi dùi gõ, người ta có thể đánh vào điểm gần hoặc chính tâm chiêng. Còn với chi đấm, điểm kích âm bao giờ cũng nằm ở giữa tính từ tâm ra đến thành chiêng. Nếu đánh ở điểm khác thì tiếng bị xịt. Cũng cần nói thêm rằng dùng dùi thì gõ ở mặt nào cũng được, nhưng đấm thì người ta buộc phải đấm ở mặt ngoài của chiêng để cườm tay không bị chạm và cạnh của thành chiêng. Mặt khác, qua thực nghiệm chúng tôi thấy đấm ở mặt ngoài, tiếng chiêng đẹp hơn.

   Trong chi dùi gõ, có thể chia 3 loại dùi:

     +Dùi cứng: làm bằng gỗ cứng như ở người Ê Đê. Hiệu quả tiếng vang đanh, cường độ lớn và bên cạnh âm cơ bản có rất nhiều tạp âm (dạng tiếng động).

     +Dùi vừa: làm bằng thân cây sắn như ở người Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai. Hiệu quả tiếng vang nét, âm cơ bản rõ ràng.

     +Dùi mềm: làm bằng gỗ bọc da dái trâu, bò, dê hay vải hoặc cao su, chỉ thấy dùng để đánh cồng. Hiệu quả tiếng vang ấm, âm cơ bản rõ ràng.

   Trong chi đấm, người ta dùng một nắm tay đấm vào mặt chiêng. Tay kia dùng bàn tay đỡ vào mặt trong của chiêng. Kỹ thuật này là bắt buộc, đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Với các ngón bịt, mở, xoa, miết bằng cườm tay, ngón tay với nhiều góc độ và lực độ khác nhau, nghệ nhân diễn tấu sẽ tạo ra nhiều sắc thái khác nhau trên cùng một âm. Bởi vậy, nếu chi dùi gõ tạo ra những âm thanh vang to, sắc nét thậm chí hoành tráng hay dữ dội thì chi đấm lại tạo ra những âm thanh huyền ảo, trầm mặc, vẻ như thủ thỉ dãi bày và dễ biểu cảm những sắc thái tinh tế.

   Trên thực tế, âm thanh của cồng thuộc vào loại phức tạp nhất trong số các nhạc cụ định âm. Khi được kích âm, bên cạnh âm chính (âm cơ bản) bao giờ cũng vang lên hệ thống những âm phụ: bao gồm những âm đo được và không đo được (dạng tiếng động). Đại thể, những âm bồi bao giờ cũng nằm phía trên âm cơ bản. Còn những âm hiệu ứng cộng hưởng (partiels) nằm cả ở phía trên lẫn phía dưới âm cơ bản. Bởi vậy hiệu quả âm thanh cồng chiêng thật đầy đặn bởi số âm vang thật bao giờ cũng nhiều hơn số âm cơ bản (tương ứng với số lượng cồng chiêng). Để minh họa cụ thể, dưới đây xin đưa các đồ hình âm thanh của cùng một cái chiêng được kích âm bằng 3 cách khác nhau: đấm, gõ bằng dùi mềm và gõ bằng dùi cứng[1].
1-3.jpg
2-3.jpg
3-3.jpg
   Có thể thấy rõ khi đấm chiêng, các âm phụ xuất hiện khá cân xứng ở cả trên lẫn dưới âm cơ bản. Còn khi dùng dùi gõ, các âm phụ chỉ chủ yếu xuất hiện phía trên âm cơ bản. Việc đấm hay dùng dùi mềm cho âm cơ bản rõ nét hơn là dùng dùi cứng. Mặt khác, việc kích âm bằng dùi cứng cho số lượng âm phụ nhiều nhất với dải tần rất rộng. Trong đó có vô số những tạp âm dạng tiếng động (không đo được). Do đó âm cơ bản bị lấn át. Qua đó, có thể thấy phương pháp kích âm có quan hệ mật thiết với hiệu quả âm thanh cồng chiêng như thế nào.

   Về mặt kỹ thuật, nhìn chung, kỹ thuật sử lý cồng chiêng chi đấm thuộc loại phức tạp hơn nhiều so với kỹ thuật cồng chiêng chi dùi gõ. Đó là điều dễ nhận thấy trong thực tế. Riêng với các dàn chiêng chi đấm của tộc người M'nông, chiếc chiêng thứ 2 tính từ thấp lên cao (chiêngBố) bao giờ người đánh chiêng cũng đeo vòng ở cổ tay đỡ trong lòng chiêng. Khi tay kia đấm chiêng, tay đeo vòng lúc bịt lúc mở. Lúc mở, bàn tay rời khỏi mặt chiêng. Lúc bịt, bàn tay ấp vào mặt chiêng, đồng thời nghệ nhân vẩy cổ tay sao cho chiếc vòng gõ vào mặt chiêng tạo tiếng "cạch" đồng độ làm nhiệm vụ giữ nhịp. Trường hợp không có vòng, nghệ nhân có thể đeo nhẫn thay thế như một vật dụng tương ứng để thực hiện kỹ thuật này.

2. Biên chế và thang âm

   Nhìn chung, các biên chế cồng chiêng Tây Nguyên khá phong phú và đa dạng. Căn sứ vào số lượng trong biên chế, nếu không kể các nhạc cụ hỗ trợ là trống và chũm chọe, có thể xếp thành các nhóm như sau:

     -Nhóm nhỏ: bao gồm các biên chế 2 chiêng của Chu Ru, Cơ Ho và các biên chế 3 cồng của Chu Ru, Bahnar, Gia Rai, Xê Đăng.

     -Nhóm trung bình: bao gồm các biên chế 6 chiếc của M'nông, Mạ, Ê Đê Bih, Ê Đê K'pa và biên chế 7 chiếc của Xê Đăng.

     -Nhóm lớn: bao gồm các biên chế 8 chiêng bên cạnh biên chế kết hợp của Bahnar, Gia Rai, Xê Đăng và biên chế 9 chiếc của Ê Đê K'pa.

   Bên cạnh đó, sẽ thấy do sự ảnh hưởng của phương pháp kích âm, các dàn chiêng chi đấm luôn có kích thước trung bình để vừa đủ phát huy hiệu quả kích âm. Nếu chiêng to hay bé quá thì đấm không kêu hay sử dụng kỹ thuật bịt mở không hiệu quả hoặc đánh không rõ tiếng. Các bộ chiêng chi đấm mà chúng tôi ghi nhận được đều có đường kính trung bình từ 30 - 46 cm.

   Ngược với dàn chiêng chi đấm, các dàn cồng chiêng chi dùi gõ có thể cấu tạo bởi những chiếc cồng chiêng rất to và rất bé. Chiếc to nhất có đường kính lên tới 77 cm và chiếc nhỏ nhất có đường kính khoảng 14 cm. Theo đó, dàn chiêng chi đấm bao giờ cũng có số lượng nhạc cụ giới hạn trong khi các dàn cồng chiêng chi dùi gõ có thể cấu tạo tới 16 - 17 chiếc. Có thể gọi đó là mối quan hệ tương thích giữaphương pháp kích âm,cấu tạo nhạc cụbiên chế dàn nhạc. Tất nhiên, số lượng nhạc cụ ở đây tất sẽ ảnh hưởng cơ bản đến tính chất và hiệu quả của âm nhạc bởi mỗi biên chế đều xác định một số lượng âm tương ứng. Rõ ràng điều đó biểu hiện cả một quan điểm thẩm mỹ nghệ thuật của từng cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên.

   Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng các dàn cồng chiêng Tây Nguyên đều lấy thang bồi âm tự nhiên làm cơ sở để cấu tạo nên các thang âm của riêng mình.

   Về vấn đề đo đạc cao độ, đáng lý ra thang âm các dàn cồng chiêng phải được đo bằng hệ thống máy đo âm thanh hiện đại. Song ở đây do điều kiện kỹ thuật không cho phép nên chúng tôi buộc phải chọn phương pháp đo thủ công trên sợi dây rung. Phương pháp này được thực hiện qua các bước như sau:

     +Bước 1: Lên một sợi dây đàn sao cho cao độ của nó bằng đúng cao độ của chiếc cồng (hay chiêng) to - chỉ số độ dài của cả sợi dây đàn được gọi làA.

     +Bước 2: Trên sợi dây đàn đó, dùng con chặn rút ngắn chiều dài sợi dây sao cho đoạn còn lại có cao độ bằng đúng cao độ của chiếc cồng (hay chiêng) nhỏ - chỉ số độ dài của đoạn dây rung lúc này được gọi làB.

     +Bước 3: Lấy chỉ sốA chia cho chỉ sốB, ta có tỷ số độ dài 2 đoạn dây rung bằng đúng tỷ số tần số của cồng nhỏ trên cồng to - gọi làX.

     +Bước 4: Lấy lô-ga-rít củaX chia cho lô-ga-rít của2lũy thừa1/1200, ta có độ lớn của quãng giữa cồng to và cồng nhỏ (tính bằng cents)[2]. Có thể tóm tắt như sau:
4-2.jpg
   Phương pháp này trên thực tế có thể cho chúng ta những số liệu khá chính xác. Thế những nó đòi hỏi người thực hiện buộc phải có một tai nghe cực tốt - tức phải có khả năng nghe được sự chênh lệch của cao độ tới mức tối đa với độ dao động chỉ vài cents. Tất nhiên kèm theo đó là các điều kiện tối thiểu như sức khỏe người thực hiện, không gian yên tĩnh lúc đo đạc.v.v.. Ngoài ra, số lần thao tác đo đạc phải được lặp lại nhiều lần nhằm mục đích đạt được độ chính xác cao. Tuy nhiên, do việc đo đạc hoàn toàn phụ thuộc vào giác quan nghe nhìn của người nghiên cứu nên các số liệu thang âm được giới thiệu ở đây xin chỉ coi là tương đối.

   Ở đây, do hiệu ứng cộng hưởng mặt phiến và hiệu ứng âm bồi rất phức tạp nên chúng tôi chỉ đưa raâm cơ bản trong hàng âm đối với mỗi chiếc cồng chiêng.

   Dưới đây, là các thang âm đo được trong đợt điền dã tháng 5/2004. Các thang âm sẽ được phân loại theo số lượng biên chế. Trong đó, tùy vào đặc điểm riêng của các bậc thang âm trong mỗi dàn cồng chiêng, chúng tôi sẽ xếp chúng thành từng loại để tiện cho việc so sánh. Ngoài ra, để tạo thuận tiện cho những người biết hệ thống ký âm phổ thông, chúng tôi sử dụng hệ thống ký tự Do, Re, Mi... ở phía dưới mỗi thang với sự đối sánh ước lệ.

2.1 Nhóm nhỏ

   * Thang âm biên chế 2 chiếc: thấy có ở tộc người Chu Ru và KơHo. Dưới đây là thang âm dàn chiêng đôi (Sariâu) của người Chu Ru (thôn Próh ngò - xã Próh - Đơn Dương - Lâm Đồng).
5-2.jpg
   * Thang âm biên chế 3 chiếc:Có 2 loại.

     +Loại thứ nhất là biên chế độc lập, không kết hợp với các biên chế khác. Đó là dàn cồng 3 chiếc (Ching Klâu Poh)tộc người Chu Ru (thôn Próh ngò - xã Próh - Đơn Dương - Lâm Đồng) - Âm vực 1159 cents.
6-3.jpg
     +Loại thứ hai bao gồm dàn 3 cồng của các tộc người Bahnar, Gia Rai và Xê Đăng. Các dàn cồng này đều được xây dựng trên cơ sở các quãng 5 đúng, 4 đúng và 8 đúng (với độ chuẩn lý tưởng là 702 cents, 498 cents và 1200 cents). Ví dụ dàn cồng 3 chiếc tộc người Bahnar Kon Kơ Đeh (plei Kông Mha - xã Kông Lơng Khơng - huyện Kbang - Gia Lai).
7-3.jpg
   Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, đồng bào Bahnar gọi biên chế 3 cồng này làChêng Xo Xơh(cồng cổ xưa)[3] - được coi như là biên chế hình thành sớm nhất trong âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên. Trên thực tế, dàn 3 cồng này có thể chơi riêng với trống cái. Tuy nhiên, chúng thường xuyên kết hợp với dàn chiêng biên chế 8 chiếc tạo thành một biên chế lớn hơn. Khi đó dàn 3 cồng thường được bổ xung thêm một số chiếc cồng ở âm khu cao - là những âm tăng cường dạng bồi âm quãng 8 so với 3 cồng cơ bản. Chúng tôi sẽ giới thiệu biên chế đó ở phía dưới.

   Cũng qua biên chế 3 cồng này, chúng ta càng thấy rõ vai trònền tảngcủa các quãng 8 đúng, 5 đúng và 4 đúng trong âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên.

2.2 Nhóm trung bình

   Đây là các thang âm biên chế 6 chiếc, 7 chiếc.Đây là những biên chế độc lập, không kết hợp với các biên chế khác. Dưới đây xin đưa một vài ví dụ.

     +Dàn chiêng tộc người Mạ (boon Bơđăng - thôn 2 - xã Lộc Bắc - Bảo Lâm - Lâm Đồng) - Âm vực 856 cents.
8-2.jpg
     +Dàn chiêng 6 chiếc (Chêng Blơi Loi) tộc người M'nông Bu Noong Nong (boon Pơng Xim - Trường Xuân - Đắk Song - Đắk Nông)- Âm vực 1024 cents.
9-2.jpg
     +Dàn chiêng 6 chiếc tộc người M'nông Bu Noong P'râng (buôn Tinh - xã Quảng Sơn- xã Đắk Ha - Đắk Nông - Đắk Nông) - Âm vực 1218 cents.
10-2.jpg
2.3 Nhóm lớn

   *Thang âm biên chế 8 chiếc và biên chế kết hợp:

   Đây là các dàn chiêng 8 chiếc của người Bahnar, Gia Rai, Xê Đăng. Có thể xếp thang âm của chúng vào dạng tương đồng. Trong đó, theo thứ tự từ thấp lên cao, chiếc số 2 và chiếc số 7 có quan hệ một quãng 8 đúng với nhau. Thang âm này có thể tăng cường chiếc thứ 9 - cao hơn chiếc số 4 một quãng 8 đúng. Điều đặc biệt, như đã giới thiệu, biên chế này luôn kết hợp với dàn 3 cồng. Trong đó, chiếc số 2 của dàn 8 chiêng bao giờ cũng cao hơn chiếc cồng trầm nhất hai quãng 8 đúng. Dường như khi sáng tạo ra bộ 8 chiêng, các tộc người này đã có ý định kết hợp ngay từ ban đầu nên sự chồng âm quãng 8 là điều đã được mặc định sẵn. Dưới đây, xin giới thiệu mô hình biên chế kết hợp ở dàn cồng chiêng tộc người Bahnar Kon Kơ Đeh (plei Mơ H'ra - xã Kông Lơng Khơng - huyện Kbang - Gia Lai) - Âm vực khoảng 3772 cents.

     -Cồng:
11-2.jpg
   Trong 2 chiếc cồng tăng cường, B'bết Iê cao hơn B'bết Tih 1 quãng 8 đúng, B'bết Tinh cao hơn Chê 1 quãng 8 đúng.

     -Chiêng:
12-2.jpg
   Sự đồng dạng giữa những biên chế kết hợp cồng chiêng thể hiện rõ nhất ở mối quan hệ giữa các bậc thang âm. Trong các dàn 8 chiêng, bao giờ chiếc thứ 2, thứ 5 và thứ 7 cũng hợp thành trục âm quãng 5 đúng, 4 đúng và quãng 8 đúng.
13-2.jpg
   Trục âm này lại được "nhấn mạnh" bởi dàn cồng với các quãng đồng âm và các quãng 8 ở âm khu thấp. Điều đó có nghĩa như một thứ tầng nền vững chắc để khẳng định thêm trục điểm tựa của giai điệu. Đây là một trong những thành tố quan trọng quyết định phương thức lập điệu cho biên chế kết hợp này. Với một âm vực lớn nhất trong tất cả các biên chế cồng chiêng, thang âm này biểu cảm rõ tính hòa hợp, tươi sáng và rộng mở của âm nhạc.

* Thang âm biên chế 9 chiếc:

   Đây là trường hợp của dàn cồng chiêng 9 chiếc (Ching Shar Knăh) tộc người Êđê K'pah (boon Kmrơng Proong A - xã Êa tu - Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk) - Âm vực 1917 cents.
14-2.jpg
15-2.jpg
   Trong biên chế này, riêng cồng Mđuh là một hiện tượng đặc biệt. Khi kích âm, người ta úp nó xuống, một đầu cạnh kê lên gối vải, một đầu kê lên đùi nghệ nhân, tay anh này tỳ lên mặt cồng và đánh bịt tiếng. Do vậy tiếng vang thật của chiếc cồng này có hiệu quả giống tiếng trống bịt mặt - tức thực tế nó được sử dụng như một chiếc trống đồng hơn là một chiếc cồng định âm. Có thể vì thế mà trong sự sắp đặt vị trí diễn tấu của Ching Shar Knăh, cồng Mđuh được xếp cạnh chiếc trống cái. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đo tiếng ngân vang của nó để tìm hiểu.

   Tóm lại, các dàn cồng chiêng của từng tộc người Tây Nguyên đều thuộc loại hàng 5 âm hay 6 âm cơ bản. Chúng tôi nhấn mạnh làcơ bản bởi lẽ trên thực tế, ngoài âm cơ bản, mỗi chiếc cồng chiêng thường cho ta nhiều các âm phụ khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào người ta cũng nghe thấy chúng rõ ràng. Tùy vào đặc điểm cấu tạo riêng của từng chiếc cồng chiêng và cách kích âm mà các âm phụ lúc ẩn lúc hiện song song với âm cơ bản.

   Với những dàn chiêng vang rõ các âm phụ, bên cạnh đường tuyến giai điệu cơ bản bao giờ cũng vang kèm song song một giai điệu tạo bởi những âm bồi phía trên (thường là âm quãng 5 đúng). Đó chính là một trong những nguyên nhân tạo nên màu sắc đầy đặn nhưng lại mờ ảo, huyền hoặc của những dàn chiêng này.

   Bên cạnh tính chất các quãng, âm vực của thang âm cũng là một vấn đề. Các dàn chiêng có âm vực hẹp như của M'nông, Mạ... thường có sắc thái tương phản với sự hoành tráng, to lớn của những thang âm có âm vực rộng mở như các dàn cồng chiêng Bahnar, Gia Rai, Xê Đăng, Ê Đê...

   Theo khảo sát ban đầu, nhìn chung ở Tây Nguyên,tính thống nhất về mầu sắc thang âm cồng chiêng trong mỗi tộc người là điều dễ nhận thấy. Chẳng hạn nếu ta nghe 2 dàn chiêng Aráp ở Đắk Lắc và ở Gia Lai thì vẫn thấy giống nhau; hay các dàn cồng chiêng của Bahnar ở Kbang và An Khê cũng vậy... Hơn thế nữa, thang âm cồng chiêng Bahnar và Gia Rai lại rất gần gũi. Thế nhưng riêng M'nông thì ngược lại, dường như không tồn tại sự thống nhất thang âm của các dàn chiêng tộc người này. Các bộ chiêng được nghiên cứu đều là các dạng thang âm khác nhau. Chúng ứng với những nhóm M'nông cư trú trên các địa bàn khác nhau. Điều đó có nghĩa mỗi nhóm cư trú đều tự thiết lập một chuẩn mực thẩm mỹ nghệ thuật riêng của họ. Đó là đặc điểm thật độc đáo mà chúng tôi gọi là "rất M'nông"! Mỗi dàn chiêng M'nông là một dạng thang âm riêng. Phải chăng điều đó biểu hiện tính độc lập nghệ thuậttương đối của tộc người M'nông?
(còn nữa)

[1] Xin lưu ý: Chúng tôi sử dụng phần mềm Sound Frequency Analyzer v 1.1 do TS Trần Quang Hải (Muséum National d'Histoire Naturelle - France) cung cấp. Đây là đồ hình âm thanh 2 chiều: cao độ và trường độ. Các âm xuất hiện chạy dài từ trái qua phải. Đơn vị cao độ tính bằng Hz. Âm cơ bản ở ví dụ này là vạch ngang kéo dài, nằm ở vị trí 2 đơn vị (2 vạch) tính từ dưới lên trên cột đo tần số (Hz). Còn những điểm khác là các âm phụ xuất hiện đồng thời. Để hiển thị âm thanh được rõ, chúng tôi phải kích âm liên tục nhằm kéo dài trường độ của chúng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét