Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Nhà hát cổ Duyệt Thị Đường

<Sân khấu chính của nhà hát, nơi có ghế Rồng dành cho Vua xem hát.
     Theo như các tài liệu và thư tịch cổ hiện còn lại cho biết, Duyệt Thị Đường là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam .Đây là nhà hát của hoàng cung, nơi dành cho vua và những người trong hoàng tộc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật tuồng cổ.
    Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Toà nhà nằm bên trong Tử Cấm Thành với tổng diện tích là 11.740 m2, riêng diện tích của nhà hát là 1.182 m2. Bên hữu là Ngự y viện, nơi để sao chế thuốc chữa bệnh cho vua và hoàng gia. Bên tả là sở Thượng Thiện, nơi dùng để chế biến các món ăn phục vụ nhà vua. Tất cả đều được ngăn với nhà hát bằng một bức tường. Toàn bộ khuôn viên nhà hát trước đây được dùng để trồng các loại cây thuốcNam quý hiếm. 
                                                  Phía trước nhà hát cổ.>
   Nhà hát có chiều cao 12m, gồm 2 tầng, nội thất được làm bằng gỗ lim. Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem có cảm giác như đang ở ngoài trời, ở giữa cuộc đời.
    Hai bên tả hữu khán đài có dãy trường kỷ dành cho các vị quốc khách và những vị quan lại cao quý của triều đình. Trên lầu hai là nơi dành cho những người trong hoàng tộc. Sân khấu có ba mặt, phía sau là hậu trường có hai phòng dành riêng đào kép chuẩn bị việc hoá trang, thay trang phục trước khi ra sân khấu biểu diễn. Mỗi khi đi xem diễn tuồng, Đức Vua ngự trên long ỷ thì dàn nhạc giáo đầu gồm 20 nhạc sĩ ngồi xổm đánh trống, gảy đàn, thổi kèn... Trước mặt họ có một cái trống lớn... Một vị quan ngồi sau trống. Nghệ sĩ nào  khéo trình diễn thì ông đánh hai hay ba tiếng trống, mỗi tiếng thể hiện một số tiền biếu tặng diễn viên.
<Sàn diễn phía trước mặt ghế Rồng của Vua.
   Trải qua gần 200 năm, dưới sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh cũng như con người, nhà hát Duyệt Thị Đường đã gánh chịu nhiều hư hỏng nặng nề và đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Năm 1962, khi chính quyền Sài Gòn cải tạo Duyệt Thị Đường để làm cơ sở giảng dạy của Trường Quốc gia âm nhạc Huế, các công trình chung quanh bị triệt hạ để xây chỗ ở cho giáo viên và sinh viên đã khiến cho cấu trúc của nhà hát bị thay đổi không còn như cũ. Từ năm 1995 đến năm 2002, nhà hát được trùng tu, phục chế và sửa chữa lại phần ghế dành cho các quan khách xưa kia và chính thức đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch từ tháng 3/2003. 
  Sảnh trên dành cho các bậc quan lại
triều đình và quốc khách.>
    Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm Bảo tàng Di tích Cố đô Huế đưa vào hoạt động nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Huế, trong đó có nhã nhạc cung đình Huế. Hiện tại nhà hát đã sưu tầm và khôi phục được 8 trong số 11 điệu múa cổ cùng với 40 bài nhã nhạc được dàn dựng hết sức công phu và nhiều trích đoạn tuồng nổi tiếng cũng đã được phục dựng để phục vụ du khách.
   Hiện nay, với sự khôi phục khá toàn vẹn, Duyệt Thị Đường đã trở thành một điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng như du lịch nổi tiếng ở Huế và thu hút được sự quan tâm đông đảo của du khách gần xa mỗi khi có dịp đến với Cố Đô. 
Nguồn: Báo ảnh VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét