Trường chúng ta – Nhạc viện TP. HCM là một trong hai đơn vị - hai cơ sở lớn của cả nước làm công tác đào tạo các chuyên ngành về âm nhạc: biểu diễn, sáng tác, lý luận, chỉ huy…
Chúng ta – những thầy cô giống như những người trồng cây. Trước hết, chúng ta phải biết chọn hạt giống tốt để ươm mầm. Khi hạt giống đã nảy mầm, chúng ta lại phải biết cách chăm sóc, bảo vệ, trông nom, nuôi dưỡng để mầm non đó phát triển, lớn lên thành cây xanh tươi tốt, nở hoa thơm, đươm trái ngọt có ích cho đời. Công tác đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng là một công việc rất khó khăn, không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi những thầy cô ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy trong thực tiễn còn phải có một tấm lòng nhân ái, kiên nhẫn, giàu tình yêu thương, tận tâm tận lòng để phát triển những tài năng còn đang tiềm ẩn bên trong mỗi học trò của mình. Đồng thời người học trò ngoài năng khiếu, tố chất bẩm sinh về âm nhạc còn phải có những đức tính: siêng năng trong học tập, lòng đam mê nghề mãnh liệt, trau dồi không mệt mỏi chuyên ngành mà mình theo học… Đó là sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ, mang tính tương đồng cần thiết trong mối quan hệ của người thầy và người trò, mới gặt hái được những thành quả cao.
Có một câu chuyện tôi đã nghe được và nó cứ theo suốt cuộc đời làm người thầy của tôi. Đó là khoảng thập niêm 70, khi tôi còn là một cậu học trò sang Nga học sáng tác. Trong một buổi giảng bài trên lớp, giáo sư Oron Ostrovsky kể rằng khi nhạc viện Leningrad mới thành lập (nhạc viện tôi đang theo học), người giám đốc đầu tiên của nhạc viện là nhạc sĩ người Nga rất nổi tiếng tên Glazounov. Có lần vị chủ nhiệm khoa Lý luận – Sáng tác của Nhạc viên đến báo cáo với giám đốc là đề nghị đuổi sinh viên đang theo học sáng tác Dimitri Schostakovik ra khỏi khoa sáng tác, chỉ cho học piano vì ông học hai chuyên ngành piano và sáng tác. Giám đốc Glazounov hỏi vì sao và ai đề nghị như vậy? Chủ nhiệm khoa nói, chính thầy dạy sáng tác của Dimitri Schostakovik.
Giám đốc trả lời: Được! Tôi sẽ ra chỉ thị đuổi ông thầy này ra khỏi khoa sáng tác. Sau đó, giám đốc Glazounov gọi sinh viên Dimitri Schostakovik lên và nói âm nhạc của anh không thuộc khẩu vị của tôi, nhưng tôi biết anh là một nhân tài về sáng tác, anh sẽ làm rạng danh cho nước Nga trong tương lai. Tôi đã gửi công hàm lên Bộ Đại học xin cho anh hai suất học bỗng: sáng tác và biểu diễn piano.
Thưa các bạn! Người học trò suýt bị đuổi khỏi khoa sáng tác lúc đó, ngày nay chính là nhạc sĩ lừng danh thế giới của thế kỷ 20, đó là nhạc sĩ Dimitri Schostakovik.
Thời gian đi qua rất nhanh, thấm thoát tôi về trường này tham gia công tác giảng dạy ở khoa: Sáng tác – Lý luận – Chỉ huy của Nhạc viện ta đã tròn 20 năm. Trong 20 năm qua, những người học trò của tôi có nhiều em thành đạt trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật âm nhạc và trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc. Chỉ tính riêng tại khoa Sáng tác – Lý luận – Chỉ huy, những người học trò của tôi ngày nào, giờ đây đã là người thầy như: Bùi Thiện Hoàng Quân, Trần Thanh Hà, Đinh Lăng, Bùi Ngọc Lâm, Vũ Công Minh… Ngoài ra ở một số cơ quan, trường văn hóa nghệ thuật, hội âm nhạc cũng có học trò tôi tham gia phục vụ, tích cực đóng góp một phần vai trò không nhỏ trong đời sống âm nhạc đến với công chúng như: Lê Quang Vũ, Giang Đông, Lâm Đình Thuận, Ngọc Uyển… Nếu nói rộng ra, ở Hà Nội, tôi cũng có một lực lượng học trò mà nay đã thành danh như Minh Thành, Thanh Hòa… Còn đi về các tỉnh miền Tây, từ Long An đến Cà Mau, đi đến đâu, tôi cũng nhận được sự đón tiếp thân tình và trân trọng của những người học trò mình như Nguyễn Hay, Trần Tấn Lực, Sơn Ngọc Hoàng…
Là một người thầy khi thấy học trò mình trưởng thành, biết đóng góp hiệu quả cho xã hội thì đó là phần thưởng vô giá đối với người thầy. Điều hơn thế nữa, điều tôi muốn nói ra đây là đạo lý thầy trò. Bởi trước khi trở thành người thầy như ngày hôm nay, tôi đã là người học trò. Và tôi nghĩ rằng, nếu muốn trở thành người thầy giỏi thì trước hết mình phải là người học trò tốt.
Cái nghĩa thầy trò từ xưa đến nay, dù ở phương Đông hay phương Tây vẫn là cái đạo lý muôn thuở, bất di bất dịch. Tôi nghĩ rằng, mình đã là những người thầy thì xin đừng bao giờ tính công, kể ơn đối với học trò. Ngược lại, những người học trò phải tuyệt đối ghi công, đừng bao giờ quên công ơn giảng dạy, dìu dắt của những người thầy mình. Đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội hiện nay.
Lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện kể về cái nghĩa thầy trò như thầy trò của Chu Văn An, thầy trò của Nguyễn Trãi, trò của Nguyễn Đình Chiểu…. mà trong chúng ta ngồi đây ai cũng biết. Câu chuyện quyết định số mệnh của danh nhân Nguyễn Trãi nhờ từ người họ trò mà ngày nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian. Vì Thị Lộ bị kết tội giết vua, Nguyễn Trãi phải mang án tru di tam tộc. Khi thi hành án, một trong những người học trò của Nguyễn Trãi biết ông còn một người vợ tên Thị Mẫn mang thai, trên đường về nhà. Người học trò này đã đi tìm và cõng người vợ đó của thầy sang Lào trốn bảo vệ dòng tộc cho thầy mình.
Nhân đây, tôi kể thêm một câu chuyện có thật, cảm động của thời hiện đại, về cái nghĩa thầy trò rất gần với giới âm nhạc chúng ta. Đó là nhạc sĩ Igor Stravinsky. Ông là một nhạc sĩ hiện đại, trên thế giới rất nổi tiếng ở thế kỷ 20. Năm đó khi đã ở ngoại tuổi 80, ông xin về Leningrad để thăm quê hương – nơi chôn nhao cắt rốn của ông. Khi máy bay vừa đáp xuống sân bay Leningrad , đại diện lãnh đạo thành phố đứng ra đón tiếp rất long trọng và mời ông về trụ sở thành phố. Igor Stravinsky xin phép được đi thắp nến và đặt vòng hoa trước mộ để tưởng nhớ về thầy của mình là nhạc sĩ Rimsky Korsakov. Sau đó ít lâu, nhạc sĩ Igor Stravinsky qua đời. Những Nhạc viện lớn ở Nga đã treo băng tang để tỏ lòng thương tiếc người nhạc sĩ tài năng và trọng đạo nghĩa.
Quy luật trời đất: “Tre già thì măng mọc”. Tôi rất mong mình có nhiều học trò giỏi. Nhạc viện chúng ta có nhiều tài năng từ đội ngũ học trò của chúng ta.
PGS.TS.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam
(Bài đã đăng trong "Kỷ yếu hội thảo" 55 năm Nhac viện TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét