Hóa trang mặt trong diễn tuồng là một nghệ thuật thể hiện tính cách nhân vật của vở diễn... Vì vậy chỉ cần nhìn diễn viên bước ra khỏi cánh gà với bộ mặt hóa trang cũng như trang phục thì dường như khán giả đều biết đó là nhân nhân vật có tính cách như thế nào.
<Đôi mắt của quan huyện thể hiện sự gian xảo và tinh quái nên được diễn viên trau chuốt cẩn thận.
Màu sắc dùng để hóa trang trên mặt phổ biến là trắng, đỏ, xanh và màu đen. Mặt trắng (diện mạo đẹp đẽ, tính cách trầm tĩnh), mặt đỏ (người trí dũng, chững chạc), mặt rằn (diện mạo xấu xí, tính cách nóng nảy), mặt tròng xéo đen (tướng phản, hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy, nếu tròng xéo đen nền đỏ thắm hay xanh là người vũ dũng), mặt mốc (xu nịnh), mặt lưỡi cày (người đoản hậu, nhát gan)...
<Khuôn mặt hóa trang của diễn viên Kiều Oanh với cô vợ trong vở “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”.
<Kẻ góc mũi thành đường vân là một chi tiết không thể bỏ qua trong các vai diễn vua.
<NSƯT Hán Văn Tình trong vở tuồng “Phụng Nghi Đình”.
<Cảnh các văn võ bá quan trên sân khấu trong vở “Phụng Nghi Đình”,
các diễn viên hóa trang khuôn mặt tùy theo tính cách vai diễn của mình.<Diễn viên Kiều Oanh trong vở tuồng “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”.
<Trên sân khấu, vai diễn của nghệ sĩ được tỏa sáng nhiều nhờ sự hóa trang tài tình của nhân vật.
Hai loại hóa trang mặt đáng lưu ý nhất là mặt trắng và mặt rằn. Sáng tạo ra hai loại mặt này, nghệ thuật tuồng đã chú ý đến cái đẹp của hành động chứ không phải cái đẹp diện mạo. Bởi có mặt trắng phe trung như Địch Thanh, Hứa Hớn Văn, thì cũng có mặt trắng phe nịnh như Lã Bố, Lý Thông; có vai mặt rằn trung như Lưu Khánh, Trương Phi, thì cũng có mặt rằn nịnh như Tạ Ôn Đình, Xích Bảo…
Như vậy, chỉ riêng trong hóa trang thôi đã thể hiện cụ thể phạm trù cái đẹp trong mỹ học dân tộc. Dẫu hóa trang theo kiểu mặt nào thì cũng đều có một điểm chung là khuôn mặt của những nhân vật này được bôi màu, riêng vùng sát xung quanh mắt được để tự nhiên. Không ít nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng cho rằng, đây là dấu vết của việc đeo mặt nạ ngày trước, còn có người lại giải thích, trong hát bội, con mắt của diễn viên cũng phải tích cực tham gia diễn xuất nên phải để trống như thế mới thấy hết được tinh thần của nhân vật.
Diễn viên tuồng xưa nay phải tự hóa trang để ra biểu diễn chứ không có họa sĩ hóa trang. Bởi vậy, hóa trang đòi hỏi người diễn viên trở thành một họa sĩ ẩn dạng và do đó, hóa trang cũng mang theo cá tính của diễn viên. Khi hóa trang xong, diễn viên bước ra sân khấu thì khán giả biết ngay là vai trung hay nịnh. Đây cũng là một biểu hiện rõ nét của tính ước lệ, tượng trưng và cách điệu cao của nghệ thuật tuồng.
Nghệ sĩ ưu tú Bích Tần (Nhà hát Tuồng Trung ương) là người vào vai diễn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo trong vở tuồng cùng tên cho biết: “Khi trang điểm cho vai diễn, tôi chú ý nhiều đến đôi mắt. Hồ Nguyệt Cô là một con cáo thành tinh, nhờ viên ngọc quý mà trở thành một cô gái xinh đẹp, tinh anh. Đôi mắt Hồ Nguyệt Cô thể hiện nhiều tâm trạng, bình thường sắc sảo nhưng lúc yêu Tiết Giao, đôi mắt đó tha thiết, yêu thương”.
Diễn viên Kiều Oanh trong vở diễn "Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội" lại cho biết: “Vai diễn này không chỉ khó ở diễn xuất vì một người đóng cả hai vai ông già và cô vợ trẻ, cái khó còn nằm ở gương mặt biểu cảm, nên hóa trang khuôn mặt cũng phải trau chuốt đến từng chi tiết”
Đối với các diễn viên hóa trang nhân vật cổ điển như Quan Công, tướng lĩnh thì khâu hóa trang càng cầu kỳ hơn, đặc biệt là đôi mắt và lông mày. Nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình trong vai vua của vở tuồng "Phụng Nghi Đình" nhận định: “Với các vai vua, chúa, tôi phải hóa trang mặt 2 tiếng đồng hồ mới xong, từ khâu kẻ môi, mắt đến làm cho da mặt sạm đi, quắc thước đều rất tỉ mỉ, lúc đó diễn viên tuồng giống một họa sĩ”.
Đào tạo một diễn viên tuồng đã khó, đào tạo một diễn viên biết hóa trang đẳng cấp càng khó hơn, năng khiếu hóa trang của diễn viên là rất quan trọng, đó cũng là một nghệ thuật để khán giả nhớ đến nhân vật trong mỗi vở diễn.
Nguồn: Báo ảnh VN, internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét