Thông thường, cuộc Hát Ví đối đáp có thể diễn ra giữa 2 nhóm người, giữa một người với một nhóm, hoặc đơn giản chỉ giữa 2 cá thể gặp nhau ngẫu nhiên, tự do tùy thích. Lẽ tất nhiên, 2 bên đối đáp phải khác giới. Lịch sử không ghi nhận những cuộc hát đối giữa những người cùng giới. Bên cạnh đó, cũng như các thể thức hát đối đáp trai gái nói chung, sự “đồng niên, đồng tuế” cũng là “luật bất thành văn”, các thế hệ khác nhau không hát đối đáp với nhau. Ở đám hội làng hay vào những đêm trăng sáng lúc nông nhàn, trai gái mỗi vùng thường lập các đám Hát Ví để tìm bạn đối đáp, làm quen trao gửi tâm tình. Qua đó, nhiều đôi cũng nên vợ nên chồng. Trong địa bàn Thăng Long- Hà Nội, lịch sử đã ghi nhận nhiều địa danh thường tổ chức đám Hát Ví, như bến Hàm Rồng, sông Tích (Liệp Tuyết- Quốc Oai) thường diễn ra nhằm tuần trăng tháng 7 âm lịch. Bên cạnh Liệp Tuyết, còn có các địa danh khác như thôn My Dương (Thanh Mai- Thanh Oai), Bài Trượng (Hoàng Diệu- Chương Mỹ), làng Thạch Hán (Quốc Oai), Trung Văn (Từ Liêm)… xưa kia thường xuyên diễn ra các cuộc Hát Ví, vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của lớp người già nay đã ở độ tuổi 80.
Bên cạnh vai trò xúc tác, tạo điều kiện cho trai gái giao duyên nên vợ nên chồng, Hát Ví đối đáp còn được dùng rộng rãi như một phương tiện âm nhạc để giải trí, chơi vui trong cuộc sống thường nhật. Đó là hình thức sinh hoạt tự do, thường diễn ra tùy hứng giữa hai người với nhau, hay giữa một người và một nhóm người. Đây là dạng thức rất phổ biến trong đời sống thường nhật. Mọi lúc, mọi nơi hợp cảnh, hợp tình, người ta có thể Hát Ví đối đáp trong khi đi gánh nước, lúc cấy cày trên ruộng đồng, khi cắt cỏ, trên đường đi chợ, trên chuyến đò, bến sông, bãi ngô, nương dâu… Ở đây, Hát Ví đơn giản chỉ là phương tiện để con người có thể giải tỏa năng lượng tinh thần tức thời, bộc phát. Thông qua Hát Ví, người ta có thể thỏa mãn cái tôi hiếu thắng hơn thua, như một trò tiêu khiển thường nhật của những người dân lao động yêu thơ ca văn nghệ bình dân. Với sinh hoạt dân dã này, Hát Ví được dùng để chòng ghẹo nhau, đố đá lẫn nhau, thậm chí mỉa mai, châm biếm hay nặng hơn có thể chửi khéo nhau bằng lời ca tiếng hát. Dưới đây là cặp lời ca xướng họa ghi nhận sự đáp trả của một cô gái gánh rau đi đường bị một chàng trai dùng Hát Ví trêu ghẹo.
Gánh nặng mà đi đường dài
Để anh gánh đỡ một vai nên chồng.
Nữ họa:
Gánh thì chị trả tiền công
Mặt kia chẳng đáng làm chồng chị đâu!
Hoặc sự phản kháng không thương tiếc của một cô gái khi đang cấy lúa bị đám con trai đi ngang đường mượn câu hát chòng ghẹo với ý tục tĩu.Cô kia tội nợ vì đâu
Mà cô cứ chổng phao câu lên trời ?
Nữ họa:
Trời làm Đông vụ chí kỳ
Chị mà không chổng lấy gì em ăn.
Thời Hát Ví còn thịnh hành, rất phổ biến trường hợp thanh niên địa phương dùng câu hát kiếm cớ trêu ghẹo những người khách lạ qua đường để vui đùa, giải trí một cách thanh nhã.
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời
Đi đâu vội mấy, anh ơi!
Việc quan đã có chị tôi ở nhà
Này anh cả, anh hai đó ơi!
Hoặc:
Cô kia áo trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh
Bao giờ cà chín cà xanh
Anh cho một quả để dành mớm con.
Ngược lại, một khách bộ hành cũng có thể dùng Hát Ví để làm quen với các cô gái làng sở tại mà họ ngang qua.
Hỡi cô gánh nước quang mây
Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng
Hoặc:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Hay:
Đèn tà thấp thoáng bóng trăng
Ai đem người ngọc thung thăng chốn này?
Người bị trêu đùa, thuận tình thì quay sang ứng đối, không thì im lặng bỏ qua. Phổ biến trường hợp các cô gái thôn nữ chủ động trêu đám con trai. Đây là điều có thể hiểu được. Trong xã hội phong kiến thời xưa, với giáo lý trọng nam khinh nữ, tam tòng tứ đức, người con gái luôn bị đặt vào vị thế thấp kém. Thế nên việc các cô thường chủ động dùng câu Hát Ví chòng ghẹo cánh mày râu, thể hiện vai trò giới cũng là điều dễ hiểu. Trong đó, không hiếm những trường hợp đám thôn nữ đang làm ruộng còn dám chọc ghẹo, thi tài với cả những ông đồ trẻ khăn xếp áo the, cắp ô đi trên đường.
Hỡi anh mà đi ô thâm
Ô nhiễu, ô vóc hay lầm ô em?
Ô em, em để trong nhà
Khen ai mở khóa đưa ra cho chàng.
Hoặc mạnh bạo hơn:
Anh kia đi ô cánh dơi
Để em làm cỏ mồ hôi ướt đầm
Có phải đạo vợ nghĩa chồng
Thì mang ô xuống cánh đồng mà che.
Nếu đối lại, người khách qua đường đương nhiên phải chịu thế một chọi mấy người. Nếu cuộc đối đáp vui vẻ, thì các cô cũng hát câu kết có hậu mặn mà, đủ để người đi phải lưu luyến xốn xang:
Chàng đi thiếp vẫn trông theo
Trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi!
Hoặc:
Em ôm bó mạ xuống đồng
Miệng ca tay cấy mà lòng nhớ ai!
Đó là những cuộc hát đối đáp thanh nhã giải trí nhẹ nhàng, không xem nặng sự hơn thua. Nhưng nếu gặp trường hợp ông đồ trẻ tỏ ý khinh thường, các thôn nữ cũng sẵn sàng đáp trả quyết liệt. Không hiếm ông đồ trẻ bị hố, đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà cắp ô bỏ đi. Nếu gặp phải kẻ kém thanh lịch trước đó đã buông lời khiếm nhã, các cô vẫn chưa tha mà còn hát với theo:
Em ơi chị bảo em này,
Trứng chọi với đá có ngày vỡ tan!
Hoặc:
Khen ai khéo đúc chuông chì
Dáng thì có dáng, đánh thì không kêu!
Hay:
Học hành ba chữ lem nhem,
Thấy gái thì thèm như chửa thèm chua.
Trong trường hợp gặp anh chàng nào ghẹo thô mà lại xấu giai, các cô cũng không ngại dùng những câu chua cay mô tả bản mặt của anh chàng:
Mặt rỗ như tổ ong bầu
Cái răng khấp khểnh như cầu rửa chân.
Nói chung, bên cạnh sự tức hứng ứng tác, vốn thơ ca, tục ngữ dân gian luôn được tận dụng hết mức để người hát có thể chiếm thế thượng phong trong cuộc đấu tay đôi. Thế nên về mặt nguyên tắc, những cuộc Hát Ví tự do không có giới hạn về chủ đề và ngôn từ. Ở đây, mọi cảm xúc thông tục đều có thể được thơ hóa tức thì để thỏa chí người hát. Tất nhiên, những cuộc đố đá chua ngoa như vậy hiếm khi kéo dài, thường chỉ xướng họa qua lại đôi ba lần, rồi ai đi đường nấy, nhưng cũng đủ để tạo nguồn cảm hứng tức thời trong cuộc sống lao động nhọc nhằn. Như vậy, nếu nhìn tổng thể, trong khi Hát Quan họ hay Hát Trống quân chỉ sinh hoạt vào một dịp nhất định trong năm thì Hát Ví lại sinh hoạt đủ cả bốn mùa Xuân -Hạ -Thu -Đông với không gian diễn xướng không hạn định. Mới thấy Hát Ví được phổ cập bình dân như thế nào.
Trong hát đối đáp, do bản chất ngẫu hứng nên vốn liếng thơ ca của người hát phải thật phong phú, đủ để ứng vận vào cuộc chơi. Nếu không đủ khả năng, hết vốn sớm tất sẽ buộc phải bỏ cuộc. Thông qua đó, có thể thấy sự thịnh hành của Hát Ví một thời đồng nghĩa với khả năng ứng tác thơ ca tài tình của người dân thời xã hội phong kiến. Mặt khác, sẽ thấy người xưa thường làm thơ phần nhiều để ngâm ngợi, để hát chứ ít khi để đọc suông. Cho nên, với tính bình dân phổ cập, Hát Ví chính là phương thức sáng tạo lưu truyền kho tàng thơ ca dân gian một cách hữu hiệu nhất. Bài nào hay sẽ được truyền tụng từ vùng này sang vùng khác, đời này sang đời khác, không thì “lời nói gió bay”!
Bên cạnh hình thức hát đối đáp, khi tức hứng, người ta cũng có thể dùng làn điệu Hát Ví đơn thuần để chuyển tải một vài câu thơ hay thậm chí cả một bài thơ hoàn chỉnh mang tính tự sự, bộc bạch những nỗi niềm riêng tư, hay tả cảnh thiên nhiên, đất nước, con người. Trong đó, người hát có thể dùng bất cứ một câu thành ngữ, tục ngữ nào miễn sao hợp cảnh hợp tình. Khi đó Hát Ví được hiểu như một câu ca độc xướng trong sinh hoạt đời thường, một thời được xem như câu cửa miệng của dân gian. Hẳn vì thế mà làn điệu này mới có cái tên Ví, gần nghĩa như là “ví von”? Hát Ví tự do là vậy!
Lời ca Hát Ví chủ yếu dùng thơ lục bát, lục bát biến thể và đôi khi song thất lục bát. Ít thì một cặp thơ cũng thành vế đối đáp, xướng họa. Ở đây, do tính chất đối đáp đặc thù nên lời ca mỗi vế xướng họa tất không thể quá dài, sẽ gây khó khăn cho bạn hát. Trong Hát Ví nói chung, tùy theo trường hợp một hay nhiều người tham gia mỗi bên, thông thường người ta dùng câu ca đặc trưng “Anh hai ơi!”, “Cô hai ơi!”, “Chị hai ơi!”… để mở đầu và “Này anh cả anh hai đó ơi!” hoặc “Này cô cả cô hai đó ơi!” hay “Này chị cả chị hai đó ơi!” để kết thúc vế xướng họa đối đáp, thể hiện sự tôn trọng trong phép xã giao ứng xử. Riêng Hát Ví tự do, do tính chất bắt quen người lạ ngoài đường nên thường dùng câu “Bảo này!” mở đầu để mời gọi.
Bảo này!
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Để anh cắt với làm đôi vợ chồng
Này cô cả cô hai đó ơi!
Những cuộc Hát Ví có tổ chức, bên cạnh sự ứng tác tại chỗ, bao giờ cũng sắp sẵn những bài xướng họa được đúc kết để tăng cường giá trị nghệ thuật cho cuộc chơi. Cũng như Hát Trống quân, đám Hát Ví có tổ chức thường được chia thành những chặng cơ bản như hát chào hỏi- hát đố- hát gắn bó- hát chia tay. Trong đó, giai đoạn hát đố là phần chính, sôi động nhất. Hai phe nam nữ tìm đến các chủ đề như đố cây cỏ, chim thú, đố địa danh, di tích, đồ vật, hoa quả… Bên này ra bài đối, bên kia lập tức ứng vận bài đáp đã chuẩn bị, hoặc phải ứng tác tại chỗ nếu gặp bài mới.
Ở đâu năm cửa nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng lại có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất xứ Thanh?
Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
…
Nữ họa:
Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi
Sông Lục Đầu sáu khúc, nước chảy xuôi một dòng
Nước sông Thương bên đục bên trong
Núi Đức Thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh
Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây
…
Trong đám đông, không phải ai cũng đủ tài ứng tác tại chỗ để có thể “giải vây” kịp thời, thế nên đám Hát Ví thường dựa vào những người tài giỏi đóng vai trò “gà” thơ ca. Trong khi bên hát bài đối đang cao giọng ca, họ phải cùng nhau trao đổi, ứng tác thật nhanh rồi cử người ra hát đáp trả. Bởi vậy, đứng ra hát đối đáp trong đám Hát Ví thường chỉ là những người có giọng hát đẹp và vang, còn lời ca thì chưa hẳn tự mình nghĩ ra. Nhìn chung, những cuộc Hát Ví có tổ chức thường để lại nhiều bài thơ thật thú vị. Và, vì cùng là thể đối đáp trai gái, nên vốn liếng lời ca của Hát Trống quân cũng được Hát Ví sử dụng xen lẫn.
Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
Cái gì sáng tỏ hơn sao trên trời?
Cái gì em trải anh ngồi?
Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào?
Cái gì mà sắc hơn dao?
Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
Nữ họa:
Dưới đất thì thấp, trên trời thì cao
Ngọn đèn sáng tỏ hơn sao trên trời
Chiếu hoa em trải anh ngồi
Khi buồn thơ thẩn ra chơi vườn đào
Con mắt em sắc hơn dao
Trứng gà phơn phớt lòng đào hỡi anh.
Trong hình thức Hát Ví tự do, lời thơ ứng tác ngắn gọn được xem là đặc điểm phổ biến. Thường người ta chỉ dùng một vài cặp thơ làm vế đối, một dung lượng vừa đủ để bên kia có thể ứng vận nhanh mà đáp lại kịp thời, hiếm khi dùng bài dài. Tuy nhiên, lịch sử cũng ghi nhận trường hợp Hát Ví tự do của những cặp trai gái có tài ứng đối xuất chúng với dung lượng lời ca xướng họa qua lại lên tới hơn 100 câu thơ. Nhìn chung, do đặc điểm tức hứng dân dã, nội dung lời ca Hát Ví tự do mang đặc trưng riêng, giản dị, có tính thực dụng cao như sự giải tỏa tại chỗ trong cuộc sống thường nhật. Ở đây, lời thơ có thể phá vận, phá luật, miễn sao rõ ý người hát. Hơn thế nữa, những vế đối đáp trong Hát Ví tự do cũng không nhất thiết phải cân xứng. Chẳng hạn bên xướng chỉ ra một cặp lục bát, nhưng bên họa cũng có thể đáp trả bằng số câu thơ nhiều hơn và ngược lại. Người xướng kẻ họa, thích thì chơi, không thích thì thôi, để lại sau lưng những tiếng cười vui hỉ hả, như một sự giải tỏa mệt nhọc trong lao động hàng ngày. Điều đặc biệt, thông qua những câu hát, có thể hình dung ra từng bối cảnh và địa danh cụ thể của mỗi cuộc đối đáp. Đó là điểm hết sức khác biệt giữa Hát Ví với nhiều thể loại hát đối đáp khác. Ví dụ, câu chuyện về một chàng trai đi qua làng trồng hoa Ngọc Hà- Ba Đình, thấy cô gái gánh nước tưới hoa bên đình bèn buông câu hát:
Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát
Vườn Ngọc Hà thơm mát gần xa
Hỏi người xách nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chốn này
Hoặc:
Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh
Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh
Ai người gánh nước giếng đình
Còn chăng hay đã trao tình cho ai?
Hay một chàng trai đang cuốc đất ngoài cánh đồng, nhà vốn ở thôn Kim Lũ- Đại Kim- Thanh Trì, thấy cô gái đi ven đường liền tức hứng:
Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về Kim Lũ với anh thì về
Kim Lũ có hai cây đề
Cây cao bóng mát gần kề đôi ta
Tình sâu không quản đường xa
Nhà anh cao rộng cũng là nhà em
Nhà anh có con sông êm
Cho em tắm mát những đêm mùa hè.
Ở làng Thanh Mai (trước gọi là làng Mai Chúa- Thanh Oai) có lưu truyền câu ca:
Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về Mai Chúa với anh thì về
Mai Chúa có gốc cây đề
Có sông tắm mát có nghề nông tang.
Như vậy, với nội dung, ngôn từ không giới hạn, chính hình thức sinh hoạt tự do đã khu biệt Hát Ví với tất cả các thể loại hát trai gái khác- vốn chú trọng chủ đề tình yêu giao duyên đôi lứa. Nói cách khác, chính những nội dung mang tính đố đá dân dã, thậm chí thông tục trong hình thức Hát Ví tự do lại được coi như nét độc đáo, cái mà Quan họ, hát Ghẹo hay Hát Trống quân… không hề có. Ở đây, sự chua ngoa, đanh đá.., được người hát bày tỏ công khai, thẳng thừng. Đối- đáp thường biến thành đố- đá, Hát Ví tự do thú vị là vậy!
Nữ xướng:
Anh hai ơi!
Cạp quần của em giắt được chín vạn anh hùng
Tay nâng mặt nguyệt, tay bồng càn khôn.
Cô hai ơi!
Cạp quần anh cũng giắt được chín vạn con gái thuyền quyên
Bao nhiêu cô gái chưa chồng
Mà hay chua chát thì trôi sông đắm đò.
Này cô cả cô hai đó ơi!
Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam , Hát Ví là làn điệu dân ca có cấu tạo đơn giản nhất, chỉ gồm 3 âm cơ bản. Chính vì thế, Hát Ví thuộc loại dễ học, dễ thuộc và dễ vận thơ nhất. Trong đó, âm thấp ứng với các thanh huyền, hỏi, nặng, âm trung ứng với thanh ngang, âm cao ứng với thanh sắc và thanh ngã. Đan xen tuyến giai điệu là hệ thống các nét tô điểm luyến láy để lời ca “tròn vành rõ chữ”.
Nhiều người cho rằng, Hát Ví có tuổi đời rất cổ xưa vì nó thể hiện hình bóng của tiếng Việt cổ, thời chỉ có 3 dấu giọng. Cần thấy rằng, sự đơn giản của Hát Ví chính là lý do khiến làn điệu này được phổ cập ở hầu khắp các vùng thôn quê thời xưa. Hơn nữa, đó cũng là đặc điểm độc đáo khiến Hát Ví không thể lẫn với các làn điệu dân ca khác. Bởi vậy, nhiều thể loại âm nhạc như Chèo, Quan họ, hát Xẩm... đã dùng Hát Ví để làm giàu thêm cho hệ thống làn điệu của mình. Ngay trong đám Hát Trống quân, người chơi cũng thường dùng làn điệu Hát Ví chen giữa làn điệu Trống quân để điểm xuyết, tạo sự phong phú cho cuộc chơi. Sự góp mặt sáng giá nhất của Hát Ví trong các thể loại nhạc cổ truyền chuyên nghiệp phải kể đến nghệ thuật Chèo. Nghệ nhân Chèo đã dùng Hát Ví làm phần vỉa (mở đầu) để bắt vào các điệu Bình thảo, Cấm giá, Sắp chợt. Đây là nhóm làn điệu chuyên dùng cho những vai nữ lệch với tính cách chanh chua, lẳng lơ, đanh đá. Vì thế, Hát Ví lúc này được mang cái tên mới là Nói lệch, hàm ý chuyên dùng cho các vai nữ lệch trong các vở chèo. Hẳn vì tính chất đố đá ngoa ngoắt vốn có trong sinh hoạt Hát Ví tự do mà nghệ sĩ Chèo đã lựa chọn Hát Ví để kết hợp thật nhuần nhuyễn, tạo thành một kiểu mẫu làn điệu Chèo vô cùng đặc sắc. Hòa nhập với các làn điệu Chèo, Hát Ví- Nói lệch đã trở thành âm điệu mang tính điển hình cho những vai diễn để đời như Thị Mầu, Sùng bà trong vở Quan Âm Thị Kính, mụ Quán trong vở Kim Nham…Cũng như Hát Trống quân, Hát Ví vừa là tên gọi của làn điệu đồng thời là tên gọi của thể loại. Bởi thế, Hát Ví được xếp vào thể loại dân ca đối đáp trai gái dạng một làn điệu- kiểu dạng khá phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số. Ở đây, một làn điệu dường như cũng đủ làm phương tiện để người chơi có thể chuyển tải vô số những nội dung khác nhau. Có thể xem đó là dấu vết phát triển ở thời kỳ sơ khai của một nền âm nhạc dân tộc.
Trong quá khứ, Hát Ví vốn là hình thức hát đối đáp giải trí trong sinh hoạt lao động. Thế nên sự tồn tại của nó hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, đời sống tinh thần ở từng thời kỳ nhất định. Theo dòng chảy lịch sử, Hát Ví đã có cuộc sống sôi động cho đến tận cuối thời phong kiến Việt Nam . Sang nửa đầu thế kỷ XX, Hát Ví vẫn còn được ghi nhận trong sinh hoạt thường nhật của người nông dân Bắc Bộ. Ở nửa cuối thế kỷ XX, sinh hoạt Hát Ví đã biến mất khỏi cuộc sống dân dã. Tuy nhiên, vì bản chất vốn là một làn điệu có cấu trúc đơn giản nên Hát Ví vẫn còn được lưu giữ trong trí nhớ của những người yêu âm nhạc cổ truyền, đặc biệt khi Hát ví đã trở thành điệu Nói lệch kinh điển trong nghệ thuật Chèo.
Trong các làn điệu giao duyên nam nữ vùng đồng bằng Bắc Bộ, Cò lả là một làn điệu dân ca khá nổi tiếng. Nhưng nếu Hát Ví và Hát Trống Quân đã định hình như 2 thể loại với những đám hát đối đáp có tổ chức thường xuyên thì Cò lả lại chỉ được xem như một làn điệu dân ca đơn thuần. Về mặt nguyên tắc, ở một đám hát trai gái có tổ chức, sự ứng đối tại chỗ luôn cần những điều kiện tương thích để cuộc hát xướng họa dễ dàng vận hành. Có thể thấy, giai điệu Ví và Trống quân ngắn gọn, dễ vận thơ nên rất tiện dụng cho việc chuyển tải những lời ca đối đáp qua lại. Trong khi đó, Cò lả lại thuộc dạng làn điệu có cấu trúc phức tạp, khó vận thơ hơn Ví và Trống quân. Hơn nữa, về mặt thời gian, làn điệu Cò lả lại khá dài, không thích hợp với yêu cầu giới hạn tối đa để tung hứng các vế xướng họa trong cuộc hát. Đó hẳn là lý do khiến Ví và Trống quân được lựa chọn làm làn điệu “cơ bản” cho một cuộc hát đối đáp đích thực, còn Cò lả lại không được như vậy.
Trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là lúc lao động trên ruộng đồng, tùy từng nơi, lúc có đủ đám trai gái, người ta thường cùng nhau hát Cò lả để thư giãn, làm vợi bớt nỗi nhọc nhằn của cái nghề nông tang. Tất cả cùng làm cùng hát, thay nhau ứng vận lần lượt từng cặp thơ lục bát bất kỳ, chứ không nhất thiết phải sắp vế đối đáp hoàn chỉnh như kiểu Trống quân và Ví. Đây là kiểu dạng sinh hoạt được xem như phổ biến nhất của làn điệu Cò lả.
Bên cạnh đó, Cò lả còn đóng vai trò như một làn điệu bổ sung, hỗ trợ cho các đám Hát Ví và Hát Trống quân. Như đã biết, bản thân Hát Ví và Trống quân vốn cũng chỉ là một làn điệu. Nên trong các đám hát có tổ chức, người ta hay dùng điểm xuyết xen lẫn một số làn điệu khác như Sa mạc, Cò lả… để góp phần tạo sự phong phú cho cuộc chơi. Khi đó, làn điệu Cò lả có thể được dùng chen giữa làn điệu chính ở một vài phân đoạn, hoặc xuất hiện ở phần kết thúc, như dấu chấm hết tươi sáng cho đám hát hội.
Như vậy, về mặt tổng thể, bên cạnh hình thức sinh hoạt có tổ chức, sẽ thấy Hát Ví rất phổ cập ở dạng sinh hoạt tự do, còn Hát Trống quân thì đã đạt tầm như một cuộc thi tài nghệ thuật thực sự giữa các cá nhân ở hình thức thi hát lấy giải. Xem ra, không gian sinh hoạt của Cò lả thời xưa thật khiêm tốn! Tuy nhiên, dù không đạt tầm một thể loại độc lập như Hát Ví và Trống quân nhưng bù lại, Cò lả lại có cấu trúc âm nhạc phức hợp vượt tầm Trống quân và Hát Ví. Trong bài Cò lả, lớp xướng- xô giữa cá nhân và tập thể phụ họa được xem như đặc điểm độc đáo. Như đã biết,xướng- xô vốn là cấu trúc đặc trưng của thể loại Hò, dùng để thống nhất động tác của tập thể, nhằm huy động sức người cùng lúc, góp phần tăng cao hiệu suất trong lao động nặng. Nhưng ở đây, xướng- xô lại nằm ở Cò lả- một làn điệu dân ca đồng ruộng, được dùng đơn giản để giải trí, thư giãn chứ không nhằm hỗ trợ đắc lực cho thực hành xã hội kiểu như các loại Hò. Hát Cò lả nhiều khi chỉ đơn thuần là cuộc hát xướng- xô, gọi- đáp giữa cá nhân và tập thể phụ họa, chứ không theo thể xướng- họa, đối- đáp 2 bên nam nữ kiểu như Ví và Trống quân. Cấu trúc của làn điệu Cò lả được phân chia như sau:
-Lớp xướng- do một người (bên nam hay bên nữ) hát phần lời chính, thường chỉ là một cặp lục bát, không dùng nhiều hơn.
-Lớp xô là điệp khúc của tập thể, thường nữ xướng thì bên nữ xô và ngược lại. Nhưng cũng có khi cả tập thể nam nữ cùng xô một lượt.Lời ca trong ví dụ nêu trên được cho là nguyên gốc của bài Cò lả, chính nó đã làm nên tên gọi của làn điệu:
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng
Khi đưa vào bài ca, lời thơ sẽ được điệp từ, thêm phần láy đuôi:
Con cò là cò bay lả í a
Lả lả bay la
Bay từ là từ cửa phủ/ bay ra là ra cánh đồng
Kế tiếp là đoạn điệp khúc đặc trưng:
Tình tính tang là tang tính tình
Cô mình (anh chàng) rằng ấy cô mình (anh chàng) ơi
Rằng có biết biết hay không, rằng có nhớ là nhớ hay không?
Trên cơ sở đó, khi thay lời ca khác, người ta vẫn phải đảm bảo cấu trúc đặc trưng của Cò lả, sao cho các thủ pháp điệp từ, chia tách và phân ngắt câu thơ lục bát được bảo lưu. Ví dụ với câu thơ sau:
Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong
Khi hát Cò lả sẽ là:
Đôi ta là ta như thể í a
Thể thể con tằm
Cùng ăn là ăn một lá cùng nằm là nằm một nong
Tình tính tang là tang tính tình
Cô mình rằng ấy cô mình ơi
Rằng có biết biết hay không, rằng có nhớ là nhớ hay không?
Hoặc:
Một đàn cò trắng bay tung
Bên nam bên nữ ta cùng cất lên
Khi hát Cò lả sẽ là:
Một đàn là đàn cò trắng í a
Trắng trắng bay tung
Bên nam là nam bên nữ ta cùng là cùng cất lên
Tình tính tang là tang tính tình
Anh chàng rằng ấy anh chàng ơi
Rằng có biết biết hay không, rằng có nhớ là nhớ hay không?
Ở phần điệp khúc (lớp xô), đôi khi lời thơ cũng có thể thay “anh chàng (cô nàng)” thành “dân làng” hay “duyên mình”… miễn sao hợp cảnh, hợp tình.
Tình tính tang là tang tính tình
Dân làng rằng ấy dân làng ơi
Rằng có biết biết hay không, rằng có nhớ là nhớ hay không?
Có thể nói, phần xướng- xô mang tính đồng diễn tập thể chính là yếu tố khiến Cò lả luôn được biết tới như một làn điệu dân ca rất phổ biến. Trong các bài ca giao duyên trai gái, nếu nhìn tổng quát, sẽ thấy Cò lả thuộc kiểu dạng làn điệu trung bình. Nó không quá phức tạp, khó hát như Quan họ, nhưng lại không quá đơn giản như Hát Ví và Hát Trống quân. Tính chất vui tươi, trong sáng, dễ nhớ, dễ thuộc hẳn là nguyên nhân chính khiến người ta dễ tiếp nhận làn điệu này. Có thể đó là lý do khiến Cò lả vẫn tiếp tục có mặt trong đời sống âm nhạc bình dân cho đến tận hôm nay. Dù không còn xuất hiện trong môi trường lao động như xưa, nhưng Cò lả vẫn thường được dùng như một tiết mục văn nghệ trong đám hội, hay được đặt lời mới để làm đại diện cho dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong khi Ví và Trống quân thì không được như vậy./.
Nguồn: http://siphubacha.multiply.com/
(Bài đã in trong tập sách "1000 năm âm nhạc Thăng Long- Hà Nội", NXB Âm nhạc, Hà Nội- 2010, quyển 2: Nhạc cổ truyền)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét