Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Bóng - Reflection



  Chương trình biểu diễn Piano - Hầu Văn của tác giả Đặng Tuệ Nguyên, cố vấn nghệ thuật Ns. Duơng Thụ, độ dài khoảng 60 phút, đã được trình diễn khá thành công tại Nhà hát TP. HCM tối 6-9-2011. Nghệ sĩ Piano Phó An My đã gần như "lên đồng" cùng với các nghệ sĩ Hát văn và các nhạc công nhạc cụ dân tộc đến từ Hà nội. Đây cũng có thể coi như sự Đối thoại giữa cái xưa và nay, với dân gian và hiện đại, giữa phương đông và phương tây ...


   Ý tưởng của các nghệ sỹ trẻ  khá táo bạo, đáng khuyến khích, mặc dù đôi lúc khán giả không hiểu được ý đồ cũng như âm nhạc vang lên trên sân khấu. Có nhiều đoạn liên kết giữa Piano và Hát Văn chưa gắn bó, nhưng tách riêng thì rất tốt. Âm nhạc Hát Văn lần đầu được đưa lên sân khấu nhà hát lớn khá "bốc" và lôi cuốn. một điểm khá thú vị nữa là nghệ sĩ Piano An My sau mỗi bài được thay trang phục ngay trên sân khấu với nghi lễ Hầu đồng.







   Hầu bóng (hay còn gọi là Lên đồng) mà đặc trưng nhất là tục thờ Tứ phủ là tín ngưỡng gắn liền với tâm linh người Việt từ hàng nghìn năm nay. Tứ phủ hình thành từ quan niệm thế giới có 4 cõi là: Thiên phủ ( Trời ), Địa phủ ( Đất ), Thoải phủ ( Nước ), và Nhạc phủ ( Rừng ). Hầu bóng chính là lễ nghi nhập hồn của các vị thánh vào thân xác các ông đồng - bà cốt. Khi các vị thánh đã nhập Đồng thì Đồng chính là các vị thánh hiển linh để phán truyền, ban phước. Nghi lễ tín ngưỡng này được thực hiện dưới hình thức diễn xướng âm nhạc, phục trang gọi chung là Hát Văn hay Hát Chầu Văn. Hầu bóng hay Lên đồng bao gồm 36 giá, mỗi giá có âm nhạc, trang phục, lời ca, điệu múa khác nhau, phù hợp với nội dung diễn xướng. Trong đó, giọng hát, đàn nguyệt, trống nhỏ, cảnh đôi là những đặc trưng quan trọng nhất làm nên tính chất của nghệ thuật âm nhạc Cung văn.




Đinh Lăng.
(Hình ảnh và video quay bằng iPhone nên chất lượng không tốt)

4 nhận xét:

  1. Là người dự khán chương trình "Bóng", tôi rất thích chương trình này không chỉ về ý tưởng mà còn cả những đoạn lồng ghép giữa "Chầu văn" với Piano. Đặc biệt, tôi thích phần thiết kế sân khấu với cách xử lý ánh sáng tinh tế.
    Thiết nghĩ, những chương trình như "Bóng" rất đáng khích lệ, nhất là đối với các nhạc sĩ trẻ.

    Trả lờiXóa
  2. ns. Trần Thanh Hàlúc 12:01 7 tháng 11, 2011

    Cảm ơn Nhạc sỹ Đinh Lăng đã cho chúng tôi được nghe, xem 2 video clip của "Bóng". Sự sáng tạo thật đáng khích lệ với người nghệ sỹ, nhưng với những gì thể hiện trong 2 clip chương trình này, chúng tôi nhận thấy tác giả của "Bóng" chưa tìm được cái chung của 2 ngôn ngữ âm nhạc. Trong “Bóng”, theo chúng tôi, âm nhạc mới chỉ là sự trình bày một cách “mộc” nhất hai ngôn ngữ âm nhạc. Phần Piano vẫn là những ”ngón” trình bày, biến đổi chủ đề âm nhạc trên hòa âm của âm nhạc chủ điệu phương Tây. Có thể nhận thấy trong phần này, ngoài khả năng biểu diễn piano, tác giả chưa có được ngôn ngữ, bút pháp sáng tác riêng của mình. Phần âm nhạc dân tộc, nếu các bạn đã từng nghe hát hầu văn “gốc”, hẳn các bạn sẽ nhận thấy còn nhiều cái rất hay, rất “bốc” (nếu có thể gọi như thế) đã thể hiện không được trọn vẹn ở đây. Cũng có thể chỉ qua 2 video clip, chúng tôi đã không cảm nhận thấy hết cái hay của “Bóng”. Rất mong sẽ được đọc những nhận xét khác từ những người quan tâm. Dù sao, sự tìm tòi,sáng tạo lúc nào cũng rất quý và đáng trân trọng.

    Trả lờiXóa
  3. Sự sáng tạo đúng là đáng trân trọng và cần học tập phần nào để tìm ra những cái mới trên nền tảng truyền thống dân tộc và âm nhạc Tây phương. Nhưng đúng như Ns Thanh Hà nhận xét và đánh giá về "Bóng". "Bóng" chưa tìm được tiếng nói chung cho 2 loại ngôn ngữ. Tôi là người đã đi xem trực tiếp Bóng tại Nhà Hát TP.HCM cùng một số nghệ sĩ chuyên về Chầu Văn thì cũng có nhiều đánh giá chưa cao về mặt chuyên môn đối với những gì đã thể hiện. Về thiết kế sân khấu cũng có sáng tạo và ánh sáng đẹp nhưng hình ảnh những chiếu áo treo và thả xuống như chương trình đã làm thì để lại ấn tượng không tốt về mặt hình ảnh, cảm xúc chứ chưa bàn đến yếu tố tâm linh...
    Có nghệ sĩ còn đánh giá ""Bóng" xem thường các nghệ sĩ Hầu văn của miền Nam" (xin phép được ko nêu danh tính). Có thể đánh giá này cũng hơi nặng nhưng cũng để chúng ta có thể tham khảo và có kinh nghiệm khi làm các chương trình có sự kết hợp và muốn tìm tòi, thể nghiệm cái mới. Tôi nghĩ trước khi thử nghiệm cần phải nghiên cứu kỹ càng, tới nơi tới chốn.
    Tks mọi người đã quan tâm hơn đối với nhạc truyền thống. Cám ơn NS. Đinh Lăng!

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Nhạc trưởng Hoàng Điệp, Nhạc sĩ Trần Thanh Hà và Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn vì những nhận xét mang tính chuyên môn sâu, và với quan điểm đóng góp cho chương trình!.
    Chúng tôi rất mong nhận được nhiều nữa những phản hồi từ các nghệ sĩ, nhạc sĩ và các bạn yêu nhạc...

    Trả lờiXóa