Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG DÂN CA NGƯỜI VIỆT



TÓM TẮT
     
     Bài viết nêu lên những đặc điểm, nguyên nhân và quá trình hình thành phát triển của dân ca, vai trò của dân ca trong đời sống lao động, tình cảm của người Việt. Dân ca giữ vai trò quan trọng trong kho tàng âm nhạc truyền thống người Việt. Tìm hiểu bản sắc dân tộc trong dân ca giúp chúng ta hiểu hơn về những sáng tạo của các thế hệ cha ông.

1. DẪN NHẬP

   Cùng với các bộ môn nghệ thuật khác, âm nhạc truyền thống nói chung và dân ca nói riêng đã góp phần hình thành trên bản sắc văn hóa dân tộc. Dân ca người Việt không chỉ là tiếng nói của những người lao động trực tiếp tại nơi làm việc cũng như trong sinh hoạt, mà còn là những cảm xúc, những ước mơ trong tâm hồn của những người nông dân. Những cảm xúc, những ước mơ ấy đã bật lên thành những âm điệu, làn điệu và được kết hợp với thơ ca dân gian trở thành những bài hát dân ca. Dân ca luôn gắn liền với môi trường sống, làm việc của những người nông dân Việt Nam. Như thế, dân ca người Việt đã hình thành, phát triển theo điều kiện địa lý, khí hậu (không gian) và theo lịch sử kinh tế, xã hội (thời gian), trở thành “nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tình cảm con người Việt Nam thế hệ tiếp theo thế hệ” (Dân ca Việt Nam, 1976, tr. 7).

2. ĐẶC ĐIỂM DÂN CA TRONG ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG NGƯỜI VIỆT

2.1. Khái niệm âm nhạc truyền thống và dân ca


     Theo từ điển tiếng Việt, truyền thống (danh từ) là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác (Hoàng Phê, 2006, tr. 1.053). Âm nhạc truyền thống là tất cả các giá trị âm nhạc có từ cổ xưa, được hình thành trong cuộc sống sinh hoạt của nhân dân và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Âm nhạc truyền thống được biểu hiện bằng các bài hát, điệu nhạc, hệ thống nhạc cụ, các tác phẩm âm nhạc dân gian và các tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp. Âm nhạc truyền thống không bất biến mà luôn vận động. Sự vận động ấy được thể hiện trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các yếu tố mới, biến đổi để các yếu tố mới phù hợp với ngôn ngữ âm nhạc và văn hóa dân tộc. Các nhà nghiên cứu phân loại âm nhạc truyền thống người Việt bao gồm Âm nhạc thính phòng(1), Âm nhạc sân khấu(2), Âm nhạc chuyên nghiệp(3), nhạc nghi lễ (trong cung đình và trong dân gian)(4) và Dân ca.

     Trong các thể loại âm nhạc truyền thống, dân ca giữ vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc người Việt. Trong quá trình làm việc, nhất là những công việc nặng nhọc đòi hỏi sự hiệp lực của nhiều người, người ta cần những tiếng hô, hiệu lệnh để thống nhất các động tác để Kéo gỗ, Kéo lưới, Giã vôi, Giã gạo v.v. Trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, người ta cất lên những tiếng hát cầu mong thần linh phù hộ để họ có được những mùa màng tươi tốt, cho bản thân, gia đình và những người thân của họ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong cõi đời này cũng như một cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới bên kia, cùng với những âm điệu xót thương của họ trong tang ma, cúng tế. Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, những làn điệu mượt mà đã chắp cánh, kết nối cho những tâm tư tình cảm riêng tư của họ. Như vậy, những bài hát trong lao động, trong những lễ nghi phong tục, trong các sinh hoạt của cộng đồng ấy chính là các bài dân ca. Dân ca là những “bài hát lưu truyền trong dân gian, thường không rõ tác giả” (Hoàng Phê, 2006, tr. 246) hoặc: “những bài  hát thường ngày, không có tác giả và được sáng tác do nhu cầu sinh hoạt, từ cuộc sống của người dân... được phổ biến bằng cách truyền khẩu từ đời này sang đời khác, từ vùng này sang vùng khác” (Nguyễn Thị Mỹ Liêm, 2008, tr. 7). Là sáng tác tập thể, phương thức phổ biến là truyền khẩu nên dân ca chịu ảnh hưởng của âm điệu tiếng nói cũng như thẩm mỹ của từng vùng, miền và có nhiều dị bản. Thông qua những lời ca tiếng hát, âm nhạc nói chung và dân ca nói riêng đã giúp cho họ vơi bớt mệt nhọc, tạm thời quên đi những lo âu của một cuộc sống lao động phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, giúp họ có thể tiếp xúc, trao đổi với thần linh, xua đuổi ma quỷ, gửi đi các thông điệp về chiến tranh, tình yêu đến người khác.

     Dựa vào những hình ảnh chạm, khắc trên mặt, trên tang trống đồng và đồ  đồng Đông sơn, chúng ta có thể thấy sinh hoạt ca hát người Việt đã rất phong phú ngay từ thời kỳ bắt đầu dựng nước, với các lối hát đơn, hát đồng ca, hát đối đáp, hát xướng xô, kết hợp cả hát với múa và nhạc. Mặc dù ngay từ thời kỳ đầu dựng nước ấy, các nhạc cụ thuộc bộ gõ phát triển, chiếm ưu thế bởi thế mạnh về tiết tấu của mình, nhưng với khả năng diễn cảm cao, thuận tiện trong việc vận chuyển cũng như bảo quản trong các môi trường diễn xướng khác nhau, phù hợp với ngôn ngữ, thanh điệu trong tiếng Việt nên ca hát (hoặc hát) đã trở thành dòng “chủ lưu”, là đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Theo tác giả Tô Vũ: “Nói đến dân ca là nói đến tính dân tộc trong những biểu hiện chân chất, sâu sắc, đậm đà nhất bởi vì dân ca là tấm gương phản ảnh tâm hồn dân tộc, thông qua thành phần có tư cách đại diện nhất cho dân tộc trong hoàn cảnh lịch sử, là người nông dân” (Tô Vũ, 2002, tr. 99).

2.2. Những biểu hiện bản sắc dân tộc trong dân ca



     Bản sắc dân tộc. Có nhiều cách lý giải khác nhau về bản sắc dân tộc. Trong bài viết, chúng tôi vận dụng theo quan niệm của tác giả Trần Văn Khê: “Bản là gốc, là cái lõi. Sắc là cái biểu hiện. Bản sắc là tính chất, màu sắc riêng tạo thành đặc điểm chung. Nói đến bản sắc dân tộc người ta nghĩ đến những “nét đặc thù” trong văn hóa của một dân tộc, văn hóa hiểu với nghĩa rộng của từ ấy bao gồm cách ăn, cách mặc, cách sống, cách thể hiện cái đẹp qua mọi hình thức nghệ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, kiến trúc, hội họa”(5) (Dẫn lại theo: Nguyễn Văn Tiệp, 2009, tr. 46). Như vậy, bản sắc dân tộc trong âm nhạc sẽ là những biểu hiện của âm nhạc, thông qua các yếu tố chủ thể sáng tạo âm nhạc, không gian biểu hiện âm nhạc, nội dung và hình thức biểu hiện của âm nhạc.


     Bản sắc dân ca. Theo tác giả Tú Ngọc: “Dân ca là một hiện tượng sinh hoạt văn hoá âm nhạc trong dân gian. Sinh hoạt ấy gắn với những môi trường nhất định, xã hội nhất định, đồng thời mang tính đặc thù về mặt thẩm mỹ” (Tú Ngọc, 1994, tr. 8). Như vậy, nghiên cứu bản sắc dân ca người Việt tức là nghiên cứu những đặc điểm của các bộ phận cấu thành dân ca, bao gồm chủ thể sáng tạo dân ca (trong dân ca, chủ thể sáng tạo đồng thời cũng chính là chủ thể biểu hiện các sáng tạo ấy), nội dung diễn xướng dân ca, không gian diễn xướng dân ca, hình thức, thể loại diễn xướng dân ca.


     Dân ca nói chung đều do những người dân lao động sáng tạo nên, dân ca người Việt được sáng tạo bởi những người dân của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, là sản phẩm tinh thần của cư dân thuộc loại hình văn hoá gốc nông nghiệp; đó là những người nông dân có “lối nhận thức, tư duy thiên về tổng hợp và biện chứng (trọng quan hệ); chủ quan, cảm tính và kinh nghiệm” (Trần Ngọc Thêm, 2006, tr. 48). Lối nhận thức, tư duy này đã được thể hiện rất rõ trong các bài dân ca của họ, chẳng hạn trong Hát Sa mạc(6):


Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông giời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.
(Phạm Phúc Minh, 1994, tr.125)

     Nước ta có bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam. Ở miền nào cũng có nhiều sông ngòi nên nghề thuyền bè, chài lưới đã phát triển rất sớm. Những người làm nghề trên sông nước này đã tập hợp nhau lại thành những phường như phường vạn, phường chài. Từ phường vạn, những điệu hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn, hò cập bến, hò đua thuyền đã ra đời. Từ phường chài, đã có những điệu hò, lý như hò giựt chì, lý kéo chài… Liên quan đến những công việc gắn với sông nước, còn có những bài hát của những người đi câu, mò cua, bắt ốc.



     Ngoài những công việc trên đồng ruộng, dưới sông nước, những người nông dân còn sáng tạo những bài hát trong các sinh hoạt gia đình và các sinh hoạt khác. Trong những bài hát sinh hoạt gia đình thì những bài hát ru có ở hầu hết mọi địa phương trong cả nước. Những bài hát sinh hoạt gia đình ở Nam Bộ được thể hiện trong những điệu : lý con chuột, lý con mèo, lý con cua, lý bình vôi.  Hát trong các sinh hoạt khác có thể kể đến như hát trong các sinh hoạt nghệ thuật dân gian: hát trống quân, hát xẩm hát cửa đình, hát nhà trò, hát ca trù, hát hội rô, hát bài chòi; hát giao duyên; hát kết nghĩa: hát ghẹo, hát xoan, hát quan họ; hát chúc mừng: hát chúc mừng năm mới, hát đám cưới. Hát tín ngưỡng: hát văn (hát chầu văn), hát bá trạo, hát lục cung, hát bóng rỗi, hát học trò lễ; khi tiến hành tang lễ có hò đưa linh. Để tưởng nhớ những người có công với quê hương, đất nước có hát Chèo Chải, hát Trò Thuỷ, hát Huê Lang, hát Tú Huân, hát múa Đông Anh, hát Dậm…

     Những bài hát thuộc thể loại kể trên có nội dung phong phú, phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa con người với xã hội. Các bài hát dân ca thể loại này đã thể hiện rất rõ “tâm lý coi trọng tập thể, cộng đồng” (Trần Ngọc Thêm, 2006, tr. 46) của người nông dân Việt. Ở mỗi địa phương, làng quê Việt thường có những ngày lễ, hội gắn liền với phong tục, tập quán của mình. Những ngày lễ, hội ấy được tổ chức theo những mốc thời gian nhất định, để nhắc nhở những người xa quê nhớ đến sự kiện ấy về tham dự, người ta có những câu ca:

Ba năm một khóa trò lề
Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi
Ba năm mở khoá trò vui
Đông, tây, nam, bắc xin mời về quê.
(Phạm Phúc Minh, 1994, tr. 171).

     Dân ca phản ánh mối quan hệ giữa con người với cảnh vật của quê hương mà ở đó con người luôn tôn trọng, sống hoà hợp với thiên nhiên, đó là những cánh đồng lúa, những luỹ tre làng, cây đa bến nước, dòng sông, con đò chỉ có ở làng quê Việt Nam:

Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng…
(Trích trong Cò lả, dân ca đồng bằng Bắc Bộ. - Dân ca Việt Nam, 1976, tr. 111).

Hoặc:

Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Chị hai xinh chị hai đứng nơi nào cũng xinh…
(Trong Cây trúc xinh, dân ca quan họ Bắc Ninh, - Hồng Thao, 2002, tr. 531).

Trèo lên quán dốc ngồi gốc cây đa
Gặp chị bán rượu la đà say sưa.
(Trong Trèo lên quán dốc (Bài 1), Hát Ghẹo - Lư Nhất Vũ và những người khác, 2006, tr. 676).

Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió day bông sậy bỏ buồn cho em.
(Trong Lý lu là, dân ca Nam Bộ - Lư Nhất Vũ và những người khác, 2006, tr. 640).

     Sáng tạo nên những làn điệu dân ca, đồng thời những người nông dân Việt cũng chính là những người thể hiện các sáng tạo ấy. Việc diễn xướng các bài dân ca vừa giúp cho người lao động thực hiện những công việc của mình được thuận lợi, dễ dàng hơn, đồng thời còn là một cách để thể hiện những tâm tư tình cảm riêng của bản thân, giúp cho họ vơi bớt nỗi mệt nhọc. Chính vì vậy, môi trường diễn xướng của những bài dân ca rất phong phú, có thể ở ngay trên cánh đồng nơi họ đang làm việc, họ vừa làm vừa hát như hát Ví(7), hát Sa mạc, hát Cò lả, hát chăn trâu; có thể ngay trên sông nước với các điệu hò: hò rời bến, hò đò ngược, hò vượt thác, hò mái đẩy, hò đua thuyền, hò giựt chì v.v. hoặc trong khi làm các công việc trong gia đình như khi xay lúa (hò xay lúa), giã gạo (hò giã gạo), giã đậu (hò giã đậu), giã vôi (hò giã vôi); khi may vá (Xe chỉ luồn kim), trong nhà khi ru em bé ngủ (hát ru), trong làng xóm (hát giao duyên, kết nghĩa, những bài hát đồng dao), ở những nơi công cộng như cửa đình (hát Xoan(8)), (hát Đúm(9)), ở đền thờ các vị Thánh (hát Văn(10)).

     Sự tận dụng môi trường tự nhiên: đồng lúa, dòng sông, những nơi công cộng như đình làng, cây đa bến nước v.v. làm môi trường diễn xướng cho thấy những người nông dân Việt, chủ thể sáng tạo và thể hiện những bài dân ca đã rất tôn trọng thiên nhiên, sống hoà hợp với thiên nhiên.

     Sáng tạo các bài dân ca, đồng thời lại trực tiếp diễn xướng các làn điệu dân ca ấy, các tác giả kiêm diễn viên đã có những lối diễn xướng khác nhau để thể hiện các sáng tạo ấy của mình. Từ những hình ảnh trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn, chúng ta có thể thấy các lối diễn xướng của cư dân Việt ngay từ thời kỳ đầu dựng nước đã rất phong phú, gồm các lối: 1) hát đơn (đơn xướng), 2) hát đồng ca (đồng xướng), 3) hát đối đáp, 4) hát xướng xô, 5) hát kết hợp với múa và nhạc. Các lối diễn xướng khác nhau phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu cũng như nội dung của các công việc hoặc sinh hoạt trong đời sống con người, đã tồn tại cùng lịch sử hình thành và phát triển của dân ca.

     Trong các lối diễn xướng trên của dân ca người Việt, ngoài lối hát đơn do một người hát còn có lối diễn xướng mà ở đó có sự tham gia của nhiều người. Với sự tham gia diễn xướng của nhiều người, chúng tôi nhận thấy từ lối hát đối đáp (đối đáp nam nữ, đối đáp đôi nam đôi nữ v.v.) có chuẩn bị trước (hát trống quân, ví phường vải, ví phường buôn, ví phường củi v.v.) hay hát ngẫu hứng không có sự chuẩn bị trước (ví đồng ruộng, hát ghẹo, hát đúm v.v.) đến lối hát xướng xô, lối hát có sự tham gia của nhiều người luôn có hai thành phần tham gia, tạo thành một cặp đối - đáp theo nguyên tắc âm dương hài hoà. Ngay cả trong lối hát đồng ca, việc cùng hát (đồng ca) của nhiều người cùng một lúc cũng là một phần của cặp đối đáp ấy, chẳng hạn trong bài Cò lả (dân ca đồng bằng Bắc Bộ):

Một người hát:           
Con cò cò bay lả lả lả bay la
Bay từ từ cửa phủ bay ra ra cánh đồng

Tập thể hát:                
Tình tính tang tang tính tình
Duyên tình rằng, duyên tình ơi
Rằng có nhớ nhớ hay không
Rằng có nhớ nhớ hay chăng.
 (Dân ca Việt Nam, 1976, tr. 111).

     Trong lối hát xướng xô của điệu hò Giựt chì, từ phần lời ca cho đến tiết tấu âm nhạc của các câu kể (xướng kể) cho đến lối diễn xướng đã được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong công việc của những người kéo lưới:

Kể (một người): Hò hố giàn nậu(11) vô!
Xô (tập thể):    Hò hỡi hò lơ hò
Kể:                   hò lơ
Xô:                   Là hò hỡi lơ
Kể:                   Ra đi mà sóng biển
Xô:                   Là hò hỡi lơ
Kể:                   Sóng biển mịt mù
Xô:                   Là hò hỡi lơ
Kể:                   Trời cho mà lưới nặng
Xô:                   Là hò hỡi lơ
Kể:                   Dô hò ta kéo lên
Xô:                   Là hò hỡi lơ v.v.
(Dân ca Việt Nam, 1976, tr. 189).
     
     Mặc dù có hai thành phần tham gia diễn xướng tạo thành một cặp đối-đáp, xướng-xô nhưng âm thanh của hát đối đáp chỉ là một tuyến giai điệu, bởi vì mỗi khi thành phần này diễn xướng thì thành phần kia tạm dừng, đợi đến phần diễn xướng của mình. Lối diễn xướng này hoàn toàn khác với lối diễn xướng nhiều thành phần (bè) trong âm nhạc phương Tây: các thành phần tham gia diễn xướng luôn giữ bè của mình, các bè vang lên đồng thời, tạo nên các chồng nốt của hợp âm, hòa âm.

     Lối hát đơn (chỉ có một người diễn xướng) được áp dụng trong các bài hát thể loại như hát ru, hò, lý, hát sa mạc, hát văn, ca trù v.v. Hát đơn trong dân ca người Việt thường có nội dung mang tính sâu lắng, tự sự, giãi bày những ước mong thầm kín, riêng tư của con người. Phần lớn lối hát đơn trong dân ca người Việt là hát không có nhạc đệm, do đó rất tự do về tiết tấu. Về giai điệu trong các bài dân ca, để cho việc hát các dấu các thanh trong tiếng Việt được “tròn vành rõ chữ” nên khi hát dân ca, người ta thường sử dụng các kỹ thuật luyến, láy. Mặt khác, âm vực của các bài dân ca thường nằm trong tầm âm mà hầu hết mọi người lao động đều có thể hát được (vì họ chính là người sáng tạo, sáng tạo cho chính họ và họ cũng chính là “diễn viên”, thể hiện những sáng tạo ấy của mình).

     Lối hát kết hợp với múa và nhạc là sinh hoạt nghệ thuật tổng hợp, thường được tổ chức vào các ngày hội, ngày lễ truyền thống (hát Hội Rô ở Sơn Tây, hát Cửa đình, hát Nhà Trò ở đồng bằng trung du Bắc Bộ, hát múa Đèn ở Thanh Hoá, hát Bóng rỗi ở Nam Bộ, hát Ải lao ở Hà Nội v.v.). Về phần múa trong lối diễn xướng này, các động tác mềm mại của đôi tay được chú trọng nhiều hơn. Ngay cả ở trong lối diễn xướng của loại hình nghệ thuật tổng hợp này cũng thể hiện rất rõ “tâm lý coi trọng tập thể, cộng đồng”của người nông dân Việt. Trong quá trình diễn xướng tổ khúc Múa đèn ở Thanh Hóa. Mỗi khi chuyển từ điệu này đến điệu khác, người chủ xướng luôn chủ động dẫn dắt bằng câu: “Bà con ơi! Giờ đến tháng giêng tháng hai, ta đi luống bông, luống đậu phải chăng?”. Dân làng đáp lại: “Phải rồi!” và người ta tiếp tục hát múa(12).

     Ra đời từ nhu cầu phục vụ cho lao động, sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, cho nên môi trường diễn xướng dân ca người Việt được diễn ra ở làng quê, ở ngay các địa điểm, “hiện trường” người lao động đang làm việc, với lời ca  gắn liền với công việc của nhà nông mà họ đang làm. Công việc của những người nông dân tuỳ theo thời vụ và những giai đoạn trong thời vụ mà số lượng người tham gia cũng khác nhau, điều này đã được thể hiện trong các cách thức diễn xướng, có thể là hát đơn, hát đối đáp hoặc hát tập thể với xướng-xô, hát kết hợp với múa và nhạc. Các lối diễn xướng này còn được thể hiện trong các sinh hoạt âm nhạc khác của cộng đồng, khi nông nhàn, những ngày lễ, hội hè, đình đám.

     Như vậy, từ chủ thể sáng tạo và diễn xướng, sắc thái diễn xướng đến môi trường diễn xướng và lối diễn xướng đã tạo thành một hệ thống cơ cấu và phương tiện, là bản sắc dân ca.

3. KẾT LUẬN

     Là dòng chủ lưu trong kho tàng âm nhạc truyền thống người Việt, dân ca đã phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống lao động, sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của những người nông dân Việt - chủ thể sáng tạo và diễn xướng dân ca. Từ những công việc nặng nhọc cần sự góp sức của nhiều người như kéo gỗ, kéo lưới, cho đến những những công việc đơn lẻ như hát ru, may vá, thêu thùa; từ những công việc trên sông nước cho đến những công việc trên đồng ruộng; từ những bài hát sinh hoạt gia đình, cộng đồng làng xã cho đến những bài hát tín ngưỡng (trong môi trường và nội dung diễn xướng); từ những lối hát đơn, hát đôi đến lối hát tập thể, hát đối đáp, hát múa tổng hợp (trong hình thức diễn xướng). Tất cả các yếu tố ấy kết hợp với nhau tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc trong dân ca người Việt.



CHÚ THÍCH
(1) Gồm có Ca trù (miền Bắc), Ca Huế (miền Trung) và Ca nhạc Tài tử (miền Nam).
(2) Gồm Chèo, Tuồng, Cải lương và sân khấu ca kịch dân gian (Bài chòi, ca kịch Huế).
(3) Các dàn nhạc cung đình gồm dàn Nhã nhạc, dàn Đại nhạc, Ty chung - Ty khánh, dàn Nhạc Huyền, v.v. Các thể loại nhạc Cung đình gồm có: Giao nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc.
(4) Nhạc chuyên nghiệp và các dàn nhạc lễ trong dân gian gồm có hát Xẩm, Chầu văn; các Phường bát âm, Phường Kèn và dàn nhạc Ngũ âm.
(5) Trần Văn Khê, 2002. Suy tư về vấn đề “phát triển văn hóa”. Trong sách Việt Nam trong thế kỷ XX, tr. 379.
(6) Sa mạc là một làn điệu dân ca đồng bằng và trung du Bắc bộ, mang tính tự sự, ngâm ngợi, giàu ước mơ, các yếu tố âm nhạc còn mang nhiều dấu vết của lối ngâm thơ. Nó được hát trong lúc đồng ruộng yên tĩnh, có ít người làm, một, hai người con gái vừa cấy lúa hoặc vừa làm cỏ hát Sa mạc để giãi bày tâm tư tình cảm. (Nguồn: Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt nam,  tr. 125).
(7) Hát Ví: “Vào những thập kỷ 40 trở về trước, trong những thời vụ  ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, những cô gái thường tổ chức thành phường để đi cấy thuê lưu động từ địa phương này sang địa phương khác. Trong khi cấy, họ thường cử một người có giọng tốt để thay mặt phường, hát đối đáp với phường bạn cũng đang cấy ở thửa ruộng bên, hoặc hát đối đáp với những người con trai đang lao động ở cánh đồng bên cạnh. Mỗi khi đến chỗ “xô” thì tập thể phường cùng hát. Bên nam cũng cử một người như vậy. Cũng có khi, mảnh ruộng ngay cạnh đường giao thông, khi thấy một người con trai có dáng nho nhã qua đường, họ cũng cất tiếng hát ví duyên dáng, ướm hỏi kín đáo. Nếu người qua đường cao hứng hát đối đáp lại, thì cuộc hát Ví đối đáp có thể kéo dài, nếu vì vội đi gấp, hoặc không biết hát, không thuộc nhiều câu hát, không “ứng khẩu thành ca” thì cứ lẳng lặng mà đi” (Nguồn: Phạm Phúc Minh. Tr. 124).
(8) Còn gọi là Ca Xoan, là loại dân ca hát ở cửa đình ở những làng có kết nghĩa với nhau (do đó người ta còn gọi là hát Cửa đình) trong những ngày hội làng, tế Thần cầu thịnh, thường tổ chức vào mùa xuân theo thủ tục nghi lễ truyền thống địa phương kết nghĩa . Đây là phong tục phổ biến ở một số địa phương vùng Phú Thọ. (Nguồn: Phạm Phúc Minh, tr. 207).
(9) Chơi Đúm là một lối chơi hấp dẫn thu hút nhiều người tham gia. Quả đúm làm bằng một vuông vải điều gói miếng trầu ở giữa. Trước khi ném quả đúm cho người mình định ném thì cô Đào đứng ra hát bài Đúm ở giữa đình, trước mặt đông đủ các “quan viên” và dân làng. Câu hát vừa kết thúc, cô đào liền ném quả đúm vào long một ông “quan viên” hoặc một trai làng nào đó. Trong cuộc chơi đúm, người nào bắt được quả đúm nhiều lần thì coi đó là điều hạnh phúc. Khi nhận được quả đúm, họ mở ra lấy miếng trầu ăn rồi để thay vào đó tiền thưởng và cầm quả đúm đưa tận tay một cô đào mà mình đã chọn từ trước, vừa đi vừa hát những câu đã chuẩn bị từ trước. Các cô đào và trai làng lần lượt ra hát, gửi gắm tình duyên vào quả đúm” (Nguồn: Phạm Phúc Minh, tr. 209).
(10) Cũng có khi hát Văn diễn ra ở điện tư gia với ý niệm cầu xin các vị “phù hộ độ trì” cho bản thân và những người thân được “tai qua nạn khỏi”, “làm ăn thịnh đạt”…
(11) Nậu: họ, người ta.
(12) Múa đèn (Thanh Hoá) là tổ khúc hát múa bao gồm 12 bài ca “lịch tiết” điển hình nhất trong dân ca Việt Nam (Các điệu hát múa được sắp xếp theo một trình tự phản ánh lịch tiết nông nghiệp: 1. Thắp đèn, 2. Luống bông, 3. Luống đậu, 4. Vãi mạ, 5. Đan lừ, 6. Nhổ mạ, 7. Đi cấy, 8. Kéo sợi, 9. Dệt cửi, 10. Xe chỉ, 11. Vá may, 12. Đi gặt). Mỗi khi chuyển từ một điệu này sang điệu khác luôn có câu dẫn dắt của người chủ xướng: “Bà con ơi! Giờ đến tháng giêng tháng hai, ta đi luống bông, luống đậu phải chăng?”. Dân làng: “Phải rồi!”.  Sau đó những người biểu diễn mới bắt đầu hát múa tiếp.
1. Chu Xuân Diên. 2002. Cơ sở văn hoá Việt Nam. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM.
2. Dương Viết Á. 2005. Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa (2 tập). Hà Nội: Nxb. Hà Nội.
3. Đặng Hoành Loan (chịu trách nhiệm xuất bản). 2004. Âm nhạc dân tộc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hóa. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế. Hà Nội: Nxb. Viện Âm nhạc.
4. Hoàng Kiều. 2001. Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền. Hà Nội: Nxb. Viện Âm nhạc.
5. Hoàng Phê (Chủ biên). 2006. Từ điển tiếng Việt. Đà Nẵng: Trung tâm Từ điển học, Nxb. Đà Nẵng.
6. Hồng Thao. 2002. 300 bài dân ca Quan họ Bắc Ninh. Hà Nội: Nxb. Viện Âm nhạc.
7. http://www.krugosvet.ru/enc/kultura I obrazovanie/muzyka/RUSSKAYA NARODNAYA MUZIKA.htm.
8. Không đề tên người biên tập. 1976. Dân ca Việt Nam - Tuyển tập 100 bài dân ca.  Hà Nội: Nxb. Văn hóa.
9. Lư Nhất Vũ và những người khác. 2006. Lý trong dân ca người Việt. TPHCM: Nxb. Trẻ.
10. Nguyễn Thị Mỹ Liêm. 2008. Hát dân ca. Hà Nội:  Nxb. Âm nhạc.
11.Nguyễn Văn Tiệp. 2009. Bàn thêm về mối quan hệ giữa giá trị văn hóa và bản sắc văn hóa. Trong: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập”. Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Biên Hòa: 17-19/9/2009.
12. Phạm Duy. 1972. Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam. Sài Gòn: Nxb. Hiện đại.
13. Phạm Phúc Minh. 1994. Tìm hiểu dân ca Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Âm nhạc.
14. Tô Ngọc Thanh (Chủ biên). 2003. Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Tập 1. Hà Nội: Nxb. Viện Âm nhạc.
15. Tô Vũ. 1996. Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Âm nhạc.
16. Tô Vũ. 2002. Âm nhạc Việt Nam - Truyền thống và hiện đại. Hà Nội: Nxb. Viện Âm nhạc.
17. Tú Ngọc. 1994. Dân ca người Việt. Hà Nội: Nxb. Âm nhạc.
18. Thụy Loan. 1993. Lược sử âm nhạc Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Âm nhạc.
19. Thụy Loan. 2001. Thường thức về Âm nhạc cổ truyền Việt Nam và Lịch sử âm nhạc. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
20. Trần Ngọc Thêm. 2006. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. TPHCM: Nxb. Tổng hợp TPHCM.
21. Trần Văn Khê. 2004. Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. TPHCM: Nxb. Trẻ.
22. Võ Thanh Tùng. 2001. Nhạc khí dân tộc Việt. Hà Nội: Nxb. Âm nhạc.
23. Способин И. В. 1972. Музыкальная форма, 5-е издание Изд. Музыка, Москва.
24. Ю. Юцевич. 1998. Словарь музыкальных терминов, Киев “Музычна Украийна”.

ThS. TRẦN THANH HÀ
( Bài đã đăng trong "Tạp chí khoa học xã hội thành phố HCM", 
Viện KHXH VN, Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ. số 6 - 2012 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét