Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Quyến rũ đêm xuân bản Thái

     Mùa xuân, khi rừng hoa ban, hoa mai, rừng đào phai nở trắng núi, duyên dáng thả mình xuống con suối trong veo là lúc các bản làng Thái ở vùng cao trở nên nhộn nhịp, rộn ràng hơn.
      Tôi gặp cô gái Thái tên Lò Nương trong một chợ phiên nhỏ ở Bản Panh (Sơn La) vào một ngày giáp Tết, cách đây chừng hai, ba năm. Lò Nương có dáng vóc nhỏ nhắn, trắng trẻo, khác hẳn sự miêu tả của nhiều người về thôn nữ vùng cao. Phút ban đầu e lệ nhanh chóng qua đi, Lò Nương vui vẻ dẫn tôi đi khắp chợ phiên, mời tôi nếm thử hương vị thơm hăng hắc của món thịt trâu nướng chấm muối ớt, miếng cơm lam trong những ống tre nhỏ. Lò Nương nói chưa thạo tiếng Kinh, mà tiếng Thái thì tôi không hiểu.
       Chất giọng lơ lớ Việt- Thái của cô đôi lúc khiến tôi thấy buồn cười, nhưng rồi cũng quen. Một lúc sau, nhân vật thứ ba xuất hiện, chàng trai Thái Tống Văn Pang-bạn của Lò Nương tình nguyện cùng chúng tôi du ngoạn chợ xuân ở bản Panh. Hình như Lò Nương và Tống Văn Pang là đôi bạn tình của nhau, cứ nhìn đôi mắt họ thì biết, tình tứ lắm. 
       Pang kể tôi nghe, chuyện tình yêu của trai gái Thái rất tự do và đầy chất thơ. Đêm khuya, chàng trai đến một bản Thái, nơi có cô gái mà chàng ưng ý. Chó trong bản sủa rộ lên, nhưng không ai lấy làm lạ, bởi đó là bọn "in xáo"- tiếng Việt là "chơi gái", nhưng không có ý xấu như cách nói của người Việt. Chàng trai đứng dưới sàn, đoán chỗ cô gái ngủ và khẽ gọi. Cô gái tỉnh dậy, thì thào hỏi chuyện, nếu ưng sẽ khẽ dậy mở cửa để gặp chàng. Trai Thái chưa vợ có thể đi chọc sàn tuỳ ý, không phải xin phép bố mẹ và có thể đi đến sáng bạch mới về mà không bị trách mắng... Kể đến đây, cậu trai Pang mặt đỏ, liếc nhìn Lò Nương, không biết cậu đã "chọc sàn" nhà Lò Nương chưa?

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Hát ví, cò lả

   Trong các thể thức hát đối đáp trai gái có tổ chức, Hát Quan họ, Hát Ghẹo là những hình thức sinh hoạt theo dạng nhóm xã hội kiểu “bọn kết nghĩa” với tính kết cấu cao và bền vững. Hát Trống quân tuy không kết nhóm như vậy nhưng lại là hình thức diễn xướng dân gian được tổ chức khá công phu với bộ nhạc cụ đệm đặc trưng là cái trống quân, được dựng mỗi khi lập đám hát. So với các thể loại trên, Hát Ví sinh hoạt tự do, phóng khoáng hơn nhiều. Có thể nói, đây là một thể loại hát đối đáp trai gái được sử dụng phổ biến nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong phạm vi vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Hát Ví dân dã tới mức ai ai cũng có thể ngấm lòng làn điệu, rồi vận lời thơ tùy thích mà ứng diễn. Cũng làn điệu này ở miền đất phía Đông Thăng Long- Hà Nội như vùng Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, có nơi còn gọi là hát Đúm.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Áo bà ba duyên dáng đồng bằng

Áo bà ba là loại trang phục đặc trưng Nam Bộ, cả nam lẫn nữ đều mặc được; nhưng giới nữ ưa chuộng nhiều hơn; đặc biệt là ở miệt vườn, miệt ruộng của vùng sông nước Cửu Long, tạo nên nét duyên dáng đồng bằng không gì so sánh được.


   Nguồn gốc xuất xứ và tên gọi của loại trang phục “đặc sản” này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Hậu Lê vì có nét giống “cái áo đàn ông cổ tròn, cửa ống, tay hẹp" mà sách xưa ghi là cụ Lê Quý Đôn đã quy định thành trang phục cho dân Đàng Trong cuối thế kỷ 18.
   Lại có ý kiến áo bà ba chỉ mới xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người Malaysia gốc Hoa cho phù hợp với vóc dáng người Việt. Nếu điều này đúng thì dân Nam Bộ chính là những người giao lưu khu vực sớm nhất.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Áo yếm - Di sản trang phục của Việt Nam

Hình ảnh những cô gái thướt tha trong tà áo dài duyên dáng từ lâu đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển lịch sử trang phục dân tộc, Việt Nam không chỉ có áo dài mà còn có áo yếm - thứ trang phục không thể thiếu của người con gái xưa.

Ngày xưa áo yếm thường chỉ được gọi với cái tên nôm na là cái yếm, đó là thứ trang phục đã có từ bao đời nay và vẫn còn giữ được cho đến ngày hôm nay. Yếm là một thứ trang phục nội y không thể thiếu của người phụ nữ Việt xưa. Nó là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, được dùng để che ngực.

Không chỉ vào chốn cung đình với các mệnh phụ công nương, cái yếm còn ra ruộng đồng "dầm mưa dãi nắng" với người nông dân và cùng với chiếc áo tứ thân, cái yếm theo chị em đến với hội đình đám, góp phần tạo nên bộ "quốc phục" của quý bà thời xưa.

Khi xưa ở với mẹ cha
Một năm chín yếm xót xa trong lòng
Từ khi em về nhà chồng
Chín năm một yếm, em lật trong ra ngoài.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, một cô gái đẹp là phải có cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn như cái lưng ong. Người Việt xưa cho rằng những cô gái với cái lưng ong không chỉ mang một dáng hình đẹp mà còn có đầy đủ tất cả những đức hạnh của một người vợ, người mẹ.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Bóng - Reflection



  Chương trình biểu diễn Piano - Hầu Văn của tác giả Đặng Tuệ Nguyên, cố vấn nghệ thuật Ns. Duơng Thụ, độ dài khoảng 60 phút, đã được trình diễn khá thành công tại Nhà hát TP. HCM tối 6-9-2011. Nghệ sĩ Piano Phó An My đã gần như "lên đồng" cùng với các nghệ sĩ Hát văn và các nhạc công nhạc cụ dân tộc đến từ Hà nội. Đây cũng có thể coi như sự Đối thoại giữa cái xưa và nay, với dân gian và hiện đại, giữa phương đông và phương tây ...


   Ý tưởng của các nghệ sỹ trẻ  khá táo bạo, đáng khuyến khích, mặc dù đôi lúc khán giả không hiểu được ý đồ cũng như âm nhạc vang lên trên sân khấu. Có nhiều đoạn liên kết giữa Piano và Hát Văn chưa gắn bó, nhưng tách riêng thì rất tốt. Âm nhạc Hát Văn lần đầu được đưa lên sân khấu nhà hát lớn khá "bốc" và lôi cuốn. một điểm khá thú vị nữa là nghệ sĩ Piano An My sau mỗi bài được thay trang phục ngay trên sân khấu với nghi lễ Hầu đồng.



Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Bài 1. Âm nhạc Trung Cổ và Phục Hưng
( TK XII – XVI )
Kỳ 1.

   Tây Âu trong thời Trung Cổ được chia thành nhiều vương quốc nhỏ, nhưng đều có chung một tôn giáo và xã hội có sự phân cấp một cách cứng nhắc. Trong thế kỷ thứ mười hai và mười ba sức mạnh ngày càng tăng của Giáo Hội mang lại cuộc xung đột giữa giáo hoàng và các nhà cai trị thế tục, và thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng đã bị suy yếu. Thời sau đó Trung Cổ đã có một thời gian bất ổn, đánh dấu bằng một cuộc chiến tranh kịch liệt giữa Anh và Pháp, sự tàn phá của “cái chết đen”, và cuộc nổi loạn của nông dân chống lại các lãnh chúa của họ. Thế kỷ thứ mười sáu đánh dấu một bước ngoặt, như Cải Cách Tin Lành đã kết thúc sự thống trị của Giáo Hội Công Giáo và bắt đầu một kỷ nguyên của cuộc chiến tranh tôn giáo. Những quốc gia mới được hình thành bởi dành được quyền hành rộng lớn, bắt đầu mở rộng ảnh hưởng của châu Âu trên toàn thế giới.
   Các ngọn tháp cao vút của nhà thờ La Mã và Gô-tích là những thành tựu kiến ​​trúc cao nhất của thời đại đó, Từ các trường học nhà thờ đã sinh ra các trường đại học. Mặc dù học vấn và nghệ thuật đã được dành cho vinh quang của Thiên Chúa, nhưng cũng có một dòng điện mạnh mẽ của văn học phi tôn giáo, bao gồm cả những chuyện tình lãng mạn Arthur và những kiệt tác như Divine Comedy của Dante và Tales Canterbury của Chaucer. Việc phát minh ra in ấn vào giữa thế kỷ thứ mười lăm đã chắp cánh sự lây lan nhanh chóng ý tưởng cho buổi bình minh của  thời kỳ Phục hưng, trong đó các nghệ sĩ như Leonardo da Vinci và Michelangelo đã đem lại cho nghệ thuật Hy Lạp cổ đại cảm hứng mới và dấu ấn của con người trong các tác phẩm của họ.
   Trong khi âm nhạc thế kỷ thứ mười một và mười hai ngày càng trở nên cầu kỳ, phức tạp. Ở Notre Dame tại Paris, các nhà soạn nhạc nhà thờ đã tạo ra sự hài hòa bằng cách thêm những giai điệu theo lối hát nhà thờ Gregorian. Âm nhạc thế tục cũng phát triển rực rỡ như những người hát rong hát trong những niềm vui và nỗi buồn của tình yêu. Được thúc đẩy bởi công việc của Ockeghem và Josquin Desprez sự phát triển âm nhạc tiếp tục cho đến thế kỷ thứ mười sáu, nó đã đạt đến tầm cao mới, ví dụ điển hình là những tác phẩm thanh nhạc của Lassus ở Ý và Byrd ở Anh.
   Đối với những người sống trong giai đoạn 1100-1600, và thậm chí trước đó, cuộc sống có chứa rất nhiều nước mắt. Tình trạng thiếu lương thực và tiền bạc, chiến tranh liên miên, bệnh tật và tệ nạn, sự bất ổn chính trị gây ra mối đe dọa luôn hiện diện. Một yếu tố duy nhất vững vàng là tôn giáo. Giáo Hội đứng ở trung tâm của cuộc sống của người dân, các nghi lễ hàng ngày của họ về sự tồn tại: đó là mạnh mẽ, giàu có, và sự bảo trợ cho mọi điều. Vì thế, một liên kết chặt chẽ giữa tôn giáo, âm nhạc, và tất cả các khía cạnh quan trọng khác của văn hóa là hoàn toàn tự nhiên.